Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trạm cảnh báo bão và sóng thần 'biến' thành nhà nghỉ

Tòa nhà 5 tầng với hơn 20 phòng làm việc của Trạm cảnh báo bão và sóng thần của tỉnh Thanh Hóa bỗng dưng trở thành nhà nghỉ từ hơn 2 năm nay.

Bên trong Trạm cảnh báo bão 'biến' thành nhà nghỉ Tòa nhà 5 tầng với hơn 20 phòng làm việc của Trạm cảnh báo bão và sóng thần của tỉnh Thanh Hóa bỗng dưng biến thành nhà nghỉ.

Trạm cảnh báo bão và sóng thần tỉnh Thanh Hóa (thuộc Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt, bão tỉnh Thanh Hóa) có địa chỉ tại đường Thanh Niên, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn. Trạm được nâng cấp và sửa chữa theo quyết định UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 27/9/2011 với tổng mức đầu tư hơn 12 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão. 

Tuy nhiên, nếu không có tấm biển tên ở ngoài cổng thì nhiều người sẽ không thể nhận ra Trạm cảnh báo này. Bởi, tòa nhà 5 tầng của cơ quan này đã biến thành nhà nghỉ mang tên Ngọc Dũng. Mỗi ngày, nơi đây đón hàng chục lượt đoàn khách đến Sầm Sơn ra vào hỏi thuê phòng nghỉ.

tram canh bao bao bien thanh nha nghi anh 1
Trạm cảnh báo bão và sóng thần tỉnh Thanh Hóa kiêm nhà nghỉ. Ảnh: Nguyễn Dương.

Chiều 4/7, phóng viên trong vai khách thuê phòng nghỉ và được nhân viên lễ tân giới thiệu giá phòng ở đây "mềm" hơn các khách sạn, nhà nghỉ khác.

"Nếu thuê ngày cuối tuần anh phải đặt sớm. Anh có thể xem bảng giá niêm yết. Ngày đầu tuần, phòng có giá 300.000 đến 500.000 đồng, cuối tuần có giá 500.000 đến 800.000 đồng/tùy phòng lớn, nhỏ", lễ tân nói.

Theo chân nhân viên khách sạn đi xem phòng, phóng viên ghi nhận có 20 phòng làm việc của trạm ở các tầng 2,3,4 đã được chủ nhà nghỉ lắp đặt điều hòa, tivi, giường nệm... để "biến" thành phòng nghỉ cho khách thuê. Tầng 1 được bố trí làm phòng lễ tân và khu vực cho khách ăn uống, còn tầng 5 là hội trường.

tram canh bao bao bien thanh nha nghi anh 2
Đa số các phòng làm việc của Trạm đều "biến" thành phòng nghỉ cho khách du lịch thuê. Ảnh: Nguyễn Dương.

Người dân cho hay việc Trạm cảnh báo bão và sóng thần trở thành nhà nghỉ từ cách đây hơn 2 năm. Nhiều người không rõ có nhân viên của trạm làm việc không và chỉ biết rằng tòa nhà đã và đang hoạt động như một nhà nghỉ, khách sạn thông thường.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhân, Phó chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, thừa nhận có việc Trạm cảnh báo bão và sóng thần đặt tại TP Sầm Sơn đang cho một cá nhân "mượn" để kinh doanh nhà nghỉ.

tram canh bao bao bien thanh nha nghi anh 3
Bảng niêm yết giá phòng và đồ ăn uống của nhà nghỉ Ngọc Dũng. Ảnh: Nguyễn Dương.

Theo ông Nhân, năm 2012, trạm này được tu sửa lại nhưng không có cơ sở vật chất, trang thiết bị nên bỏ không. Nhận thấy việc bỏ không là lãng phí, Công đoàn của Chi cục đã đề xuất cho Công ty xây dựng - thương mại Tiến Anh "mượn" để làm nhà nghỉ, đồng thời cũng tạo điều kiện cho đoàn viên của Chi cục có chỗ nghỉ dưỡng khi có nhu cầu.

Ông Nhân cũng thông tin thêm, Chi cục đang có kế hoạch lắp đặt mới trang thiết bị và sửa chữa các thiết bị đo đạc các yếu tố khí tượng, thủy văn đã bị hư hỏng tại trạm.

"Chúng tôi sẽ yêu cầu công ty Tiến Anh tháo dỡ thiết bị, máy móc, biển hiệu và bàn giao nguyên trạng trước ngày 10/7", vị Phó chi cục nói.

Điều 16 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12 quy định: Tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước phải được sử dụng đúng mục đích, công năng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm; cơ quan nhà nước không được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác.

Trung tâm hỗ trợ nông dân thành nhà nghỉ

Nằm cạnh bờ biển, chỉ cách Trung tâm TP Tuy Hòa (Phú Yên) vài km, nhiều năm nay, Chi nhánh Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn khu vực miền Trung – Tây Nguyên ít người lui tới.



Nguyễn Dương

Bạn có thể quan tâm