Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc ban đầu được thiết kế để hạn chế hành vi vi phạm pháp luật của người dân. Khi phạm luật, họ sẽ bị giới hạn nhiều quyền "cao cấp" như đi máy bay, tàu cao tốc hoặc cho con cái học ở trường tư đắt tiền.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post, những giới hạn đang ngày càng mở rộng. Điều này khiến cho nhiều người dân Trung Quốc cùng giới chuyên gia đưa ra những lo ngại khi nước này vẫn thiếu cơ sở pháp lý để kiểm soát hệ thống tín dụng xã hội.
Nhật báo Pháp chế của Trung Quốc vừa đăng tải bài viết gây xôn xao của một giáo sư luật tại đại học Tôn Trung Sơn ở Quảng Châu. Trong bài, giáo sư luật này khẳng định ở nhiều nơi, có những dấu hiệu cho thấy việc phạt các hành vi sai trái đang bị lạm dụng hoặc áp dụng quá rộng rãi.
Camera an ninh xuất hiện khắp nơi để theo dõi các hành vi của người dân Trung Quốc. Ảnh: Thế Anh. |
Với tiêu đề "Chúng ta cần luật gì cho tín dụng xã hội", giáo sư này cho rằng hệ thống tín dụng xã hội đang làm ảnh hưởng tới cả những mối quan hệ gia đình và hôn nhân.
Cụ thể, một người cho biết bạn mình đã bị vợ hủy hôn sau khi cô vợ kiểm tra điểm tín dụng của chồng và phát hiện chồng mình nợ nhiều khoản ở thẻ tín dụng và các khoản vay khác.
"Tôi có nên kiểm tra điểm tín dụng xã hội của vợ/chồng mình trước khi làm đám cưới" là câu hỏi được dân mạng Trung Quốc bàn tán rộng rãi thời gian qua. Hầu hết người trả lời đồng ý rằng cần kiểm tra điểm của nửa kia trước khi tính tới hôn nhân.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đã xây dựng lộ trình chi tiết cho hệ thống tín dụng xã hội. Đất nước này muốn triển khai hệ thống trên toàn quốc vào năm 2020, nhưng hiện mỗi địa phương vẫn áp dụng quy định thưởng, phạt riêng.
Ngoài vay nợ hay vi phạm pháp luật, nhiều địa phương tại Trung Quốc hiện nay bổ sung cả việc không hiến máu, đi bộ qua đường sai vạch hay ăn uống trong tàu điện ngầm vào các hành vi có thể ảnh hưởng tới điểm tín dụng xã hội.
"Trong những năm qua, hệ thống trừng phạt đạo đức đã đóng vai trò quan trọng trong tín dụng xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề trong việc áp dụng hệ thống trừng phạt từ điểm tín dụng cần phải nghiên cứu và triển khai thêm. Cần phải đẩy nhanh việc xây dựng luật kiểm soát hệ thống tín dụng xã hội trên quy mô toàn quốc", bài viết trên tờ Pháp chế đặt ra vấn đề.
Camera giám sát đặt tại một hội chợ công nghệ cao diễn ra ở Thâm Quyến. Ảnh: SCMP. |
Ngoài hệ thống tín dụng xã hội, việc các camera có công nghệ nhận dạng khuôn mặt xuất hiện khắp nơi cũng đang làm người dân Trung Quốc hoang mang.
Đầu tháng 11, một giáo sư luật ở miền đông Trung Quốc kiện Công viên Safari Hàng Châu vì thay thế hệ thống kiểm soát vào cổng dựa trên dấu vân tay bằng nhận dạng khuôn mặt.
Guo Bing, giáo sư luật tại Đại học Khoa học Công nghệ Chiết Giang, cho biết ông tin rằng sự thay đổi của Công viên Safari Hàng Châu là vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Đề cập đến vụ kiện của Guo Bing, Giáo sư Fu Hualing đến từ Đại học Hong Kong đặt nghi vấn: "Tại sao một vườn thú thu thập dữ liệu khuôn mặt? Bởi vì dữ liệu có giá trị thương mại".
"Tôi nghĩ vụ kiện của Guo nhằm khơi dậy cuộc thảo luận công khai và thu hút sự chú ý của chính phủ đối với vấn đề về bảo mật dữ liệu khuôn mặt", ông cho biết thêm.
Theo Giáo sư Lao Dongyan của Đại học Thanh Hoa, không giống các dạng thông tin sinh học khác như dấu vân tay hay DNA, dữ liệu khuôn mặt có thể bị thu thập mà người dùng không biết hoặc không chấp thuận.
"Khi chúng ta ở trên đường, khuôn mặt chúng ta bị kiểm tra hàng trăm lần mỗi ngày từ mọi góc độ. Nhưng không ai nói với bạn rằng dữ liệu đã được thu thập", bà cho biết.