Đây là đại bản doanh của đàn ngựa lớn nhất Đông Nam Á thuộc Viện văcxin và sinh phẩm y tế (IVAC), nơi chuyên nghiên cứu, sản xuất các loại văcxin, huyết thanh. Cũng vạm vỡ như ngựa chiến trong phim cổ trang hay chải chuốt xinh đẹp như ngựa chở khách du lịch ở Đà Lạt, những chú ngựa ở trại chăn nuôi Suối Dầu còn mang một sứ mệnh đặc biệt phục vụ công tác phòng chữa bệnh cho con người.
Chăm ngựa như chăm con
Khi trời còn mờ sương, sáu nhân viên chăm sóc ngựa đã đi cắt những bó cỏ xanh tươi nhất để phục vụ bữa sáng cho đàn ngựa. Ở dãy dài chuồng nuôi, một nhóm nhân viên cần mẫn quét dọn sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, nước uống…
Tắm sạch sẽ cho ngựa hằng ngày. |
Khẩu phần ăn mỗi ngày của một con ngựa là 15-18kg cỏ tươi và 2,5-3kg thức ăn tinh được chế biến từ các thành phần giàu dinh dưỡng: cám, gạo, ngô, đậu nành, vitamin... Vào những ngày mát mẻ, đàn ngựa còn được tung tăng trên bãi cỏ rộng vài chục hecta nằm trong khuôn viên trại. Chiều đến, cả đàn được tắm mát, chải lông sạch sẽ trước khi ăn.
Anh Trần Thành Tỉnh, nhân viên chăm sóc ngựa ở trại đã 32 năm, cho biết thức ăn cho ngựa phải đảm bảo sạch: cỏ phải được trồng riêng trong khuôn viên trại, hệ thống nước cung cấp cho ngựa uống phải được kiểm soát đạt tiêu chuẩn, chuồng trại nuôi ngựa luôn được vệ sinh thường xuyên. Đàn ngựa được các bác sĩ thú y theo dõi, kiểm tra và đo thân nhiệt từng con ngựa mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe.
Nếu con nào có dấu hiệu bất thường như buồn bã, ủ rũ, sốt, bỏ ăn… sẽ được cách ly để chẩn đoán, điều trị và có phương pháp chăm sóc đặc biệt giúp chúng mau hồi phục chứ không để xảy ra tình trạng “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Minh - trưởng trại chăn nuôi Suối Dầu, đàn ngựa ở trại được chăm sóc tuân thủ nghiêm ngặt hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008. Để được vào trại, ngựa được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo tiêu chuẩn 4-6 tuổi, trọng lượng 230kg trở lên và phải qua một cuộc tổng kiểm tra sàng lọc sức khỏe nghiêm ngặt như không dị tật bẩm sinh, không mắc bệnh ngoài da, không có ký sinh trùng đường ruột và phải đạt các chỉ tiêu về hằng số huyết học, sinh hóa và sinh lý.
“Những con ngựa đạt tiêu chuẩn sẽ được nuôi cách ly sáu tháng với đàn ngựa trong trại và các bác sĩ thú y lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, tâm lý, chỉ định chế độ nuôi dưỡng. Mỗi con đạt đủ tiêu chuẩn khai thác huyết thanh sẽ được đóng mã số cập nhật vào hồ sơ để theo dõi và quản lý trước khi đưa vào hòa nhập với đàn ngựa chính” - ông Minh cho biết.
Soi vật lý các sản phẩm huyết thanh kháng nọc rắn lục tre tinh chế trước khi đóng hộp tại Viện Văcxin và sinh phẩm y tế. |
Đàn ngựa ở trại được chăm sóc kỹ như con cưng như vậy để lấy huyết thanh dự phòng điều trị các bệnh nguy hiểm cho người như bệnh uốn ván, bạch hầu, dại, rắn độc... “Quy trình kỹ thuật sản xuất huyết thanh thô ở ngựa cũng phải tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008, chính vì vậy từ kỹ thuật viên đến công nhân đều phải tuân thủ quy trình sản xuất lấy huyết thanh” - ông Minh cho biết. Hằng năm, trại chăn nuôi Suối Dầu sản xuất 10.000-12.000 lít huyết thanh thô các loại. Trung bình mỗi con ngựa cho ra 60 lít huyết thanh/năm. Huyết thanh thô sẽ được tinh chế theo quy trình công nghệ rất công phu, tạo thành những chế phẩm y tế đạt tiêu chuẩn quy định dùng cho người.
Ngựa cứu người
Theo ông Minh, từ tháng 8/1999, lần đầu tiên ở Việt Nam, IVAC đã sản xuất thành công và năm 2004 lưu hành chính thức hai loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang đất và rắn lục tre, góp phần cứu sống hàng chục ngàn người bị rắn độc cắn mỗi năm.
Năm 2009, IVAC đã cải tiến quy trình công nghệ, tạo một kỷ lục mới khi cung cấp huyết thanh kháng bệnh uốn ván vượt con số 1 triệu liều ra thị trường, huyết thanh kháng dại tinh chế với độ tinh khiết tăng gấp 10 lần và huyết thanh kháng nọc rắn tinh chế cũng được cải tiến chất lượng. Từ thực tế đó, IVAC đã thành lập phòng kinh doanh để tăng cường công tác thị trường, phát huy ưu thế của các loại huyết thanh có chất lượng ổn định với sản lượng lớn, giá thành hợp lý. “Hiện huyết thanh kháng bệnh uốn ván (SAT) của IVAC đã đủ sức cung cấp cho nhu cầu toàn quốc và mở rộng sang thị trường tiềm năng ở các nước ASEAN” - ông Minh tự hào.
Trại chăn nuôi Suối Dầu tiền thân là trại thực nghiệm trồng trọt và chăn nuôi động vật do nhà bác học Alexandre John Emile Yersin khai phá và thành lập năm 1896. Nơi đây từng được ông Yersin nghiên cứu trồng nhiều giống cây và nuôi nhiều loài động vật dùng trong nghiên cứu văcxin và huyết thanh.
Huyết thanh (sản xuất từ máu ngựa) là những kháng thể chống lại loại bệnh nào đó được chiết xuất từ huyết tương của ngựa đã được mẫn cảm với loại bệnh đó. Khi tiêm vào cơ thể sẽ trung hòa với các kháng nguyên của tác nhân gây bệnh tương ứng để giúp ta không mắc bệnh như SAT (huyết thanh kháng độc tố uốn ván), SAV (huyết thanh kháng nọc rắn), SAR (huyết thanh kháng dại)
Quy trình sản xuất huyết thanh từ máu ngựa
Hiện nay, các loại huyết thanh Viện Văcxin và sinh phẩm y tế (IVAC) khai thác từ máu ngựa gồm: kháng độc tố uốn ván, kháng dại và kháng nọc rắn độc (gồm rắn hổ mang đất, rắn lục tre). Để sản xuất mỗi loại huyết thanh, IVAC phải đưa kháng nguyên (độc tố uốn ván, virút dại, nọc rắn…) vào cơ thể ngựa một liều thích hợp để cơ thể ngựa sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên đó. Khi máu ngựa có một lượng kháng thể đủ để tinh chế huyết thanh thì tiến hành lấy máu theo tỉ lệ 1,5% trọng lượng cơ thể ngựa.
Trung bình mỗi con ngựa sẽ được khai thác huyết thanh 3-5 năm, mỗi năm chín lần. Sau khi lấy máu, các nhân viên sẽ chắt lấy huyết thanh. Với đàn ngựa hiện có, mỗi năm trại cung cấp từ 7.000-10.000 lít huyết thanh thô cho IVAC để tinh chế, sản xuất các loại huyết thanh theo yêu cầu.