2018 được xem là năm đột phá của các sản phẩm smartphone tầm trung tại Việt Nam. Nhiều model ra mắt với giá bán, cấu hình được xem là “phá giá thị trường”, dù mới chỉ hơn nửa năm trôi qua.
Khi Xiaomi vén màn bộ đôi Mi A2 và A2 Lite tại Tây Ban Nha, đồng thời công bố giá bán tại Việt Nam, nhiều người lại có một phen trầm trồ khác vì mức độ “phá giá” của bộ đôi này.
Mi A2 và A2 Lite là hai mẫu smartphone mới nhất của Xiaomi. |
Cấu hình cao, giá rẻ từ lâu được xem là đặc trưng của các sản phẩm Xiaomi. Vì thế, tôi hơi ngạc nhiên khi đại diện Xiaomi dành phần lớn thời gian của buổi lễ ra mắt sản phẩm để nói về khả năng chụp hình của máy, thay vì các điểm mạnh này.
Điều này khiến tôi tò mò nhiều hơn về camera của chiếc máy này.
Loại bỏ ống kính telephoto
Mi A2 sử dụng camera kép phía sau, độ phân giải lần lượt là 12 và 20 megapixel, đều có khẩu độ f/1.75 nhưng khá bất ngờ là chẳng camera nào sử dụng ống kính telephoto, cũng không có camera phụ để đo độ sâu trường ảnh như một số smartphone tầm trung thường dùng
Thay vào đó, Xiaomi chọn cách sử dụng thuật toán để tạo ra các bức ảnh xoá phông. Pixel của Google cũng chọn cách nào để cho ra các bức ảnh xoá phông không thua kém iPhone X hay Galaxy S9+ và có vẻ Mi A2 cũng đi theo con đường này.
Mi A2 dùng 2 camera sau, nhưng không có ống kính telephoto. |
Vì không dùng camera thứ 2 để xoá phông nên người dùng sẽ không thấy tiêu cự của máy thay đổi khi chuyển sang chế độ chụp chân dung (xoá phông). Khoảng cách lý tưởng để chụp một bức ảnh xoá phông trên model này là 2,5 m.
Tôi rất bất ngờ với khả năng xoá phông của sản phẩm này. Trong phần lớn trường hợp, máy xoá phông rất mịn, không bị lẹm, nhìn tự nhiên và nổi bật. Tôi đã cố thử chụp một vài trường hợp khó hơn, khi hậu cảnh phía sau chủ thể phức tạp.
Lúc này, khả năng xoá phông của máy bộc lộ một số hạn chế như xoá nhầm tóc của nhân vật, hoặc có các điểm “quên” không xoá. Tuy nhiên, về cơ bản, người dùng sẽ có được các bức ảnh chân dung ưng ý, thậm chí sánh ngang các smartphone cao cấp.
Vậy Xiaomi sử dụng đến 2 camera để làm gì, khi mà chỉ một camera đã đủ đảm nhiệm tất cả?
Thực tế, camera thứ 2 với độ phân giải 20 megapixel của Xiaomi được sử dụng tự động khi bạn chụp các bức ảnh thiếu sáng, cho ra các bức ảnh với độ phân giải cao hơn, chi tiết hơn.
Bạn cũng có thể chuyển đổi qua lại giữa 2 camera ở chế độ chụp Pro.
Điểm mạnh là tốc độ
Có vẻ như con chip 660 trên Mi A2 hoạt động rất tốt khi tốc độ khởi động camera của máy tỏ ra cực kỳ nhanh. Máy gần như sẵn sàng chụp tức thì mỗi khi bạn nhấn vào biểu tượng camera.
Tốc độ chụp một bức ảnh, lưu ảnh của sản phẩm này đều khiến tôi hài lòng. Xiaomi làm rất tốt khi chỉ trang bị một số chế độ chụp, quay video cơ bản thay vì dàn trải hết các tính năng khiến người dùng bị rối.
Bạn sẽ có tính năng chụp cơ bản, chụp vuông, chụp chân dung, panorama, chụp thủ công, quay video và video ngắn (10 giây). Trong hầu hết trường hợp, tôi không muốn gặp rắc rối với các chế độ chụp hình mà chọn cách chụp ở chế độ tự động, cơ bản nhất và với Mi A2, tôi hài lòng với những gì nó mang lại.
Những bức ảnh thiếu sáng từ model này có độ chi tiết rất tốt, ít bị nhiễu hạt dù màu hơi ám nhẹ. Trong khi đó, ở điều kiện đủ sáng thì màu lên rất thật. Tôi rất ấn tượng với ảnh HDR chụp từ sản phẩm này.
Nên nhớ, đây là một sản phẩm tầm giá 6 triệu đồng và những gì nó mang lại khiến cho tôi có cảm giác sử dụng một chiếc máy với giá khoảng 10 triệu đồng.
Có phải lựa chọn đáng giá?
Nhiều trang công nghệ nước ngoài như Cnet hay Phonearena đều gọi đây là chiếc smartphone giá rẻ tốt nhất thị trường và cho đến lúc này, tôi cũng nghĩ như vậy. Về các trải nghiệm chi tiết, tôi cần có thêm thời gian để đánh giá chuẩn xác cho sản phẩm này nhưng có 2 điểm nổi bật khác khiến tôi dành điểm cộng cho Mi A2: hệ điều hành Android One và con chip 660.
Việc sử dụng Android One khiến máy trở thành một trong những model được cập nhật phiên bản mới nhanh nhất. Ngoài ra, bạn cũng không phải cài thêm bất cứ phần mềm rác nào lên chiếc điện thoại của mình, thứ tôi cực kỳ không thích. Với tôi, những gì thuộc về giao diện gốc, cơ bản vẫn là thứ tốt nhất, tối ưu nhất.
Trong khi đó, con chip Snapdragon 660 được xem là chip tầm trung tốt nhất hiện nay, đưa trải nghiệm của smartphone cao cấp xuống phân khúc tầm trung. Hiện nay, những chiếc smartphone có giá thấp nhất sử dụng chip 600 tại Việt Nam cũng có giá lên đến 8-9 triệu đồng và cách đây vài tháng, đó đã được xem là rất rẻ. Mi A2 sử dụng con chip này, kèm giá giá lần lượt 6 và 6,7 triệu cho các bản 32 và 64 GB.
Rõ ràng, thị trường cạnh tranh càng nhiều, người dùng càng có trong tay những lựa chọn tốt hơn, ở tầm giá thấp hơn.