Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trải nghiệm danh thắng Hà Nội qua góc nhìn 360 độ

Góc máy 360 độ cho người xem có được cảm giác như đang đứng ngay giữa Văn Miếu, hồ Gươm, cầu Long Biên, Nhà hát Lớn...

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là điểm đầu nối các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai,Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ. Thời Pháp thuộc quảng trường này có tên là Place Négrier. Vào các dịp lễ lớn, quảng trường này trở thành nơi biểu diễn văn nghệ phục vụ người dân.

Hồ Gươm

Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm là biểu tượng đặc biệt nhất, là trái tim của thủ đô, gắn liền với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho rùa thần sau khi đánh tan giặc Minh thế kỷ 15. Hồ có ví trí trung tâm, kết nối với khu phố cổ do người Pháp quy hoạch. Ngay sát hồ là vườn hoa Lý Thái Tổ - vị vua sáng lập nhà Lý và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội. Nơi đây trưng bày và lưu giữ gần 16 vạn hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là 2 bảo vật quốc gia (Máy bay MiG21 số hiệu 5121 và xe tăng T54B số hiệu 843). Trong khuôn viên Bảo tàng còn có di tích Cột cờ Hà Nội, đây là di tích kiến trúc cổ độc đáo, đã được xếp hạng di tích kiến trúc lịch sử quốc gia năm 1990.

Ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến

Ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, một trong những tuyến phố cổ thu hút đông khách du lịch nước ngoài nên thường được gọi là ‘phố Tây’

Nhà hát lớn

Nhà Hát Lớn, là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Tác phẩm của hai kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các nhà hát ở miền Nam nước Pháp, có cách tổ chức mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh... giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20.

Nhà Thờ Lớn

Nhà thờ Lớn - hay còn gọi là Nhà thờ Chính tòa Hà Nội - nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội. Quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ, giữa mặt tiền có gắn chiếc đồng hồ lớn có chuông báo giờ.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội. Được xây dựng từ năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông (1054-1072), đây là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thủ đô. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long (thời nhà Lý), đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa năm 1962.

Chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân là một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, có lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn. Đây là chợ đầu mối dành cho bán buôn là chính và hàng hóa từ đây vận chuyển đi khắp các tỉnh phía Bắc. Xung quanh chợ luôn luôn đông đúc, nhộn nhịp.

Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng (hay còn gọi là ô Đông Hà) là một trong các cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long. Cửa ô này được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay.

Cầu Long Biên

Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên, do Pháp xây dựng năm 1898-1902. Hiện nay cây cầu vắt qua 3 thế kỷ này vẫn còn được sử dụng dành cho tàu hoả, xe đạp, xe máy và người đi bộ. Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng một cầu đường sắt sát cầu Long Biên.

Tuấn Mark

Bạn có thể quan tâm