Cây viết Nikolay Todorov của tờ PhoneArena thử trải nghiệm “tương lai” của 21 năm trước. Dưới đây là cảm nhận của anh với mẫu điện thoại Nokia 9110i mua lại trên eBay.
Năm 1998 là thời điểm các boyband và máy GameBoy thống trị nền văn hóa đại chúng. Pokemon “xâm chiếm” thế giới, trong khi nhiều nơi vẫn còn thịnh hành kiểu thuê băng VHS. Laptop là thứ gì đó quá xa xỉ còn sự cố Y2K vẫn trở thành nỗi ám ảnh với viễn cảnh các vệ tinh đồng loạt rơi xuống Trái Đất.
Mọi thứ lúc đó khá đơn giản. Không YouTube, không Facebook hay Spotify. Sony còn chế tạo máy ảnh dùng đĩa mềm, tính năng tải nhạc chuông được xem là hot nhất trên thị trường điện thoại.
Thật ngoài sức tưởng tượng nếu ai đó có thể sở hữu chiếc Nokia 9110i Communicator trong năm 1998. Đây là mẫu di động tiên tiến nhất, định hình tương lai công nghệ thời bấy giờ.
Một chiếc máy tính bỏ túi đúng nghĩa, trông giống như thứ gì đó siêu việt trong phim James Bond. Và cuối cùng, tôi cũng sở hữu chiếc điện thoại “của tương lai” 21 năm trước.
Mua Nokia 9110i năm 2019 là điều gì đó thật khác lạ
21 năm trước, các mẫu điện thoại như vậy giống như những chú kỳ lân lộng lẫy. Tôi chỉ mới thấy Nokia Communicator trên tạp chí công nghệ với nhiều lời khen ngợi vì màn hình lớn, bàn phím QWERTY và khả năng kết nối vào “vương quốc mới” mang tên Internet.
Nhưng bản thân tôi chưa từng tận mắt ngắm nhìn nó ngoài đời thực. Niềm đam mê công nghệ thôi thúc tôi mua một chiếc Nokia Communicator để xem khả năng của nó như thế nào.
9110i Communicator đặt cạnh smartphone hàng đầu hiện nay là iPhone XS Max. |
Nokia Communicator siêu đắt thời điểm ra mắt. Rất khó đưa ra con số chính xác sau khoảng thời gian dài, nhưng nhìn chung cao gấp nhiều lần so với một mẫu điện thoại thông thường đương thời.
Loạt thiết bị đầu tiên (của tôi là thế hệ thứ 2) được phát hành với mức giá 1.000 bảng Anh, tương đương 2.590 USD theo quy đổi tỷ giá hiện nay.
Tới giờ, những mẫu điện thoại này cũng không hề rẻ chút nào. Tôi may mắn tìm được một chiếc nguyên vẹn với cả sạc và pin, giá khoảng 100 USD. Dòng Communicator đã 21 năm tuổi, được các nhà sưu tập tìm kiếm, một số người bảo quản tốt còn rao bán điện thoại với giá vài trăm USD trên eBay.
Communicator vẫn còn hoạt động
Mặt sau 9110i nổi bật với dùng chữ “Made in Finland” gợi nhớ về một huyền thoại. Có thể, thế hệ trẻ sẽ không quá nuối tiếc về điều này, nhưng vào thập niên 90, Nokia là gã khổng lồ dẫn đầu thị trường điện thoại di động. Sản phẩm của hãng không chỉ nhiều chức năng mà còn nổi tiếng về độ bền và đáng tin cậy, như Nokia 3310 chẳng hạn.
Trong trường hợp này, Communicator có thể ví như nhà vô địch. Dù không đẹp, nhưng chiếc điện thoại giống như cỗ xe tăng chính hiệu. Mỗi bàn phím đại diện cho một tính năng, màn hình hiển thị sáng nét.
Thứ duy nhất cần phải “bảo dưỡng” là thỏi pin 1.100mAh. Nhưng điều đó cũng dễ hiểu, bởi công nghệ lithium-ion vốn tồn tại hạn chế cố hữu, bao gồm cả sản phẩm chúng ta sử dụng ngày nay.
Có thể làm gì với Nokia 9110i Communicator?
Thực tế thì sản phẩm công nghệ có tuổi thọ giới hạn nhất định. Dù chúng ta muốn gắn bó với phần cứng hay phần mềm thế nào đi chăng nữa, đến một ngày chúng sẽ được thay thế bằng thứ khác nhanh hơn, rẻ hơn và hiệu quả hơn.
Ngược thời gian trở về những năm 90, Communicator nhìn rất “ngầu đời”, chứa nhiều công nghệ tương lai. Nó giống như chiếc Tesla Roadster 2020 đặt cạnh Ford Taurus 1992 vậy, trở thành niềm mơ ước của nhiều người.
Đây là sản phẩm của Nokia mang tính định hình tương lai công nghệ di động, nơi Internet nằm gọn trong túi mỗi người, cho phép chúng ta giao tiếp với nhau theo cách thức mới đầy thú vị. Rõ ràng, gã khổng lồ Phần Lan có đủ quyết tâm và nguồn lực để thử nghiệm, phát triển dòng sản phẩm này.
Tôi phải nhấn mạnh rằng những tính năng của Nokia 9910 trông có vẻ buồn cười nếu so với smartphone hiện nay, nhưng thời điểm công bố thì đó là biểu tượng của làng công nghệ thế giới.
Ví dụ về lượng ghi chú, văn bản và danh bạ “khổng lồ” có thể lưu trữ với bộ nhớ 8 MB. Chiếc điện thoại tôi từng sử dụng đầu những năm 2000 chỉ có thể lưu trữ 30 tin nhắn văn bản, 150 số liên lạc.
Nokia 9910i hơn hết còn tích hợp trình duyệt web, cho phép gửi và nhận email, hỗ trợ bàn phím QWERTY đầy đủ. Điện thoại thập niên 90 không có những tính năng này. Việc gõ một văn bản trên bàn phím số tốn rất nhiều công sức.
Chưa hết, Communicator còn trang bị máy ghi âm, máy tính, bộ lưu trữ mở rộng, hỗ trợ tài liệu và bảng tính, cho phép cài đặt ứng dụng bổ sung như các công cụ hay game. Trong tâm trí người thời đó, đây là những công nghệ ngoài sức tưởng tượng.
Dùng Communicator để thấy yêu smartphone của chúng ta hơn
Thật đáng buồn khi hầu hết tính năng “cao cấp” của Nokia 9110i hiện không thể sử dụng được. Nó có thể thực hiện cuộc gọi, gửi tin nhắn văn bản, nhưng trình duyệt web thì báo lỗi nếu truy cập vào một trang web đơn giản nào đó.
Ứng dụng email dường như không tương thích với các dịch vụ hiện đại, như Gmail. Máy ghi âm yêu cầu thẻ nhớ MMC mà bây giờ khó tìm mua được. Và chức năng fax thì tôi thậm chí không biết xử lý thế nào.
Cài đặt phần mềm lại càng khó khăn hơn nhiều. Communicator ra đời vào thời điểm chưa có khái niệm về cửa hàng ứng dụng. Chiếc điện thoại này cũng không hỗ trợ Wi-Fi hay Bluetooth.
Một trong ít cách sao chép mọi thứ vào đó là kết nối với máy tính Windows 98 bằng dây cáp và trình điều khiển phù hợp. Tất cả những thứ đó tôi đều không có. Cách khác nữa là truyền dữ liệu thông qua cổng hồng ngoại, nhưng đây cũng là thứ khó tìm.
Trải nghiệm có được trên Communicator giúp tôi nhận ra những thứ quý giá trên các dòng smartphone hiện nay, điều chúng ta vốn coi như rất đỗi bình thường.
Nokia 9110i thiếu vắng các tính năng cơ bản như máy ảnh, nghe nhạc, định vị hay thậm chí cả đài FM. Thật buồn cười vì theo thói quen, tôi bất chợt dùng tay chọc vào màn hình đơn sắc 640 x 200 pixel của Communicator. Tất nhiên là nó không hỗ trợ công nghệ cảm ứng.
Điện thoại thiếu vắng giao diện màn hình chính và các biểu tượng ứng dụng, những khái niệm có vẻ quá sức với nền tảng phần mềm và phần cứng của nó. Nhưng phần gây sốc nhất là trải nghiệm kết nối Internet.
Thử công nghệ kết nối Internet của thập niên 90
Ngày nay, smartphone kết nối với Internet thường xuyên, dù bạn ở nhà, ra ngoài hay tới công sở, tàu điện. Vậy nhưng, thời xưa thì đó là thứ xa xỉ, kể cả đối với máy tính gia đình.
Ngày nay, nhắc tới modem nhiều người sẽ liên tưởng tới công nghệ LTE, 5G và chipset, nhưng nếu ai đó lớn lên trong thập niên 90 thì modem là một hộp màu trắng nối với đường dây điện thoại của bạn. Để sử dụng kết nối Internet khi cần, modem sẽ quay số điện thoại theo đúng nghĩa đen, sau đó phát ra tiếng píp và những tiếng kêu vô nghĩa.
Đây cũng là loại modem mà Nokia 9110i Communicator sử dụng. Nếu muốn kiểm tra hòm thư hoặc mở một trang web, bạn phải đợi khoảng 30 giây để kết nối, sau đó nội dung được tải, chủ yếu là văn bản, với tốc độ khoảng 9,6 Kbps. Nên nhớ, lúc này điện thoại không thể nhận cuộc gọi vì đang dùng chung đường dây với Internet.
Lịch sử liệu có lặp lại?
Tôi nghi ngờ về khả năng thu lợi của Nokia với 9110i Communicator. Mặc dù giá bán cao, Nokia phải trừ đi khoản chi phí phát triển và sản xuất đắt đỏ không kém, chưa kể lượng đơn hàng thấp hơn nhiều so với 160 triệu chiếc của mẫu điện thoại đình đám Nokia 3210.
Communicator xứng đáng có vị trí trang trọng trong lịch sử làng di động thế giới. Theo mức độ nào đó, nó có thể được gọi là “Galaxy Fold” của thập niên 90, một thử nghiệm để vượt qua những giới hạn công nghệ. Trong mắt của Nokia, sản phẩm đã hoàn thành sức mệnh cao cả của nó.
Chúng ta không thể biết trong 20 năm nữa smartphone sẽ trông như thế nào. Nhưng bằng cách trải nghiệm công nghệ “tương lai” của 21 năm trước, như với Nokia 9110i Communicator, phần nào tôi hiểu được dòng chảy lịch sử của thế giới di động. Đặc biệt, hãy biết quý trọng những gì đang có vì đó là niềm mơ ước của bao thế hệ trước đây.