Sau gần một tuần chính thức đi vào hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT 01 Yên Nghĩa - Kim Mã được nhiều người dân Hà Nội sử dụng làm phương tiện đi lại chính. Trong khi đó, nhiều người đi buýt nhanh vì tò mò, muốn trải nghiệm loại phương tiện mới này.
Phương tiện đi lại chính
Khởi đầu ngày mới, chuyến buýt nhanh đón đợt khách đầu tiên lúc 5h sáng tại bến xe Yên Nghĩa. Hành khách của những chuyến buýt nhanh lúc đầu ngày chủ yếu là học sinh và nhân viên công sở.
Đây là thời điểm lượng khách trên xe khá đông, nhiều người phải đứng dọc hành lang, bám vào tay cầm treo trên xe. Lúc này, xe cộ trên đường khá dày đặc nên buýt nhanh chậm hơn bình thường. Qua các điểm giao cắt, xe phải giảm tốc độ, chờ các phương tiện khác.
Nhiều hành khách cho hay khi lựa chọn buýt nhanh để đi làm, họ phải tính kỹ thời gian xe bị chậm do tắc đường.
Chị Nguyễn Thị Thoa (nhân viên văn phòng tại Kim Mã) cho biết mỗi sáng, khi đi buýt nhanh, chị phải đến trước 20-30 phút. Nhờ vậy, chị chưa khi nào trễ giờ vào làm dù xe có chậm hơn so với lịch trình.
Nhiều người chọn buýt nhanh làm phương tiện di chuyển chính. Ảnh: Hoàng Như. |
Cũng lựa chọn buýt nhanh là phương tiện đi lại chính, em Trần Hoàng Lân (học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ để đến trường, mỗi ngày em đi 2 lượt buýt nhanh.
“Trước đây, em đi học bằng buýt thường, xe rất đông người khiến em phải chen lấn, mệt mỏi lắm. Nhiều khi tài xế phanh gấp, em và mọi người ngã chúi dụi. Giờ đi buýt nhanh rộng rãi và thoải mái hơn nên em thích lắm”, cậu bé hồ hởi nói.
Khi được đề nghị chấm điểm cho tuyến buýt mới, chị Thoa và em Lân đều cho 8 điểm vì những tiện ích mà nó đem lại.
Nhiều hành khách nhận xét tuyến buýt BRT 01 chỉ dài hơn 14 km nhưng có đến 21 trạm chờ, rất tiện lợi. Nhiều trạm được nối với cầu vượt đi bộ nên an toàn cho hành khách sau khi xuống xe.
Bên cạnh đó, hệ thống loa thông báo các tuyến buýt thường khi đến các trạm chờ khiến hành khách chủ động khi lựa chọn điểm xuống xe và tiếp tục hành trình.
Đi thử buýt nhanh
Trong khi nhiều hành khách lựa chọn buýt nhanh làm phương tiện chính để đi làm, đi học, nhiều hành khách lại đi để trải nghiệm và kiểm tra loại phương tiện mới này. Họ thường chọn khung giờ từ 8h30, khi xe vãn khách và ít xảy ra tắc đường.
Trên xe, nhiều người trao đổi với nhau về những điểm mới của buýt nhanh. Mỗi khi có xe máy, ôtô tạt đầu hay trên đường xảy ra ùn ứ, họ đều bàn luận rôm rả về ý thức người tham gia giao thông hay những khó khăn mà tuyến buýt gặp phải.
Buýt nhanh bị nhiều phương tiện xâm chiếm làn đường dành riêng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Ông Nguyễn Văn Khang (72 tuổi, cán bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hưu) cho hay ông được Câu lạc bộ Người cao tuổi phường Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) giao nhiệm vụ đi khám phá buýt nhanh để về phổ biến cho các thành viên khác.
Người đàn ông lớn tuổi chia sẻ trước khi đi, ông nghe nhiều quan điểm lo ngại về chuyện buýt nhanh sẽ “vỡ trận” khi đưa vào hoạt động chính thức.
“Sau khi đi trải nghiệm, tôi nghĩ chuyện 'vỡ trận' không thể xảy ra vì buýt nhanh được thành phố, công an, người dân và đặc biệt là những người cao tuổi như chúng tôi ủng hộ. Tôi tin, những khó khăn sẽ được giải quyết dần và tuyến xe này sẽ thành công”, ông Khang nói.
Ông Khanh chấm điểm 10 cho tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Cán bộ về hưu này hy vọng mức phạt các phương tiện lấn làn buýt nhanh sẽ tăng nặng hơn nữa để giải quyết triệt để thực trạng nhiều người thiếu ý thức đi chen vào làn đường ưu tiên.
“Nếu được chấm điểm cho tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội, tôi sẽ chấm điểm 10 với những gì nó thể hiện hiện nay”, người đàn ông vui vẻ nói.
Bên cạnh ý kiến của ông Khang, nhiều hành khách lớn tuổi nhận xét nếu buýt thường hướng tới sự dân dã, buýt nhanh lại khoa học và văn minh hơn rất nhiều. Theo họ, buýt nhanh là sự phát triển của hệ thống giao thông công cộng hiện đại mà Việt Nam cần duy trì và phát triển.
Đồng tình về tính khoa học và tiện lợi, bà Nguyễn Thị Hồng (72 tuổi) tâm sự: “Giá như buýt nhanh có nhiều tuyến hơn để tôi có thể dùng nó làm phương tiện di chuyển chính. Chứ tuyến buýt nhanh bây giờ không đi qua nhà, nên tôi chỉ có thể đi thử nó 1,2 lần mà thôi”.