Xác định không đứng bên lề khi Việt Nam mở cửa hội nhập với cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang chuẩn bị đón những thách thức sẽ đến, song tâm thế chuẩn bị của họ cũng có phần khác nhau. Người bi quan lo ngại các doanh nghiệp đang mệt mỏi sẽ không chống đỡ nổi sức ép gia tăng trên thị trường; còn người lạc quan lại xem việc mở cửa hội nhập là cơ hội, thậm chí có lợi cho thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành. |
Sai lầm lớn trong suốt tháng 7 - 8 năm qua là tiềm lực quốc gia đổ dồn vào thị trường bất động sản, trong khi nhiều ngành nghề khác bị bỏ rơi. Thật vậy, đã có những thời điểm người ta thấy nhà nhà đầu tư bất động sản, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng nhảy vào lĩnh vực này. Doanh nghiệp nào may mắn rút ra cách đây 3 - 4 năm thì còn kịp bảo toàn vốn, doanh nghiệp nào chậm chân thì đang chết chùm khi vốn liếng chôn hết vào dự án dở dang.
Thị trường bất động sản như “nồi da xáo thịt”, người này ăn của người kia, tiềm lực dùng để tranh phần với nhau, để rồi cuối cùng ai cũng bị thương. Thành ra bước vào năm 2014, doanh nghiệp địa ốc hiện nay đang là những chú ngựa mệt lả, đuối sức thậm chí què quặt nên không dễ vượt chướng ngại vật trên đường đua.
Tựu trung lại, có bốn chướng ngại vật mà các chú ngựa địa ốc phải vượt qua để tồn tại. Thứ nhất là hàng tồn kho nhiều và lãi suất cao. Doanh nghiệp nước ngoài có thể vay 2 đến 3%/năm trong khi doanh nghiệp trong nước phải vay 12 đến 15%/năm. Làm để trả lãi đã hết sức, nói gì đến phát triển, mà không phát triển được thì làm sao cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài? Rào cản thứ hai là tiền mặt. Thực tế, nhiều doanh nghiệp không còn tiền mặt, nên tất cả trông chờ vào ngân hàng, mà không còn gì để thế chấp làm sao ngân hàng dám cho vay?
Rào cản thứ ba khá quan trọng, đó là niềm tin của người dân vào thị trường bất động sản bị suy giảm. Nhìn những chủ đầu tư chây ì giao nhà, người ta không còn mạnh dạn bỏ tiền mua nhà, hậu quả là hàng không bán được, chủ đầu tư không có tiền và tồn kho lại tăng thêm. Và rào cản cuối cùng là thủ tục hành chính, nhiều lúc khiến doanh nghiệp cạn kiệt sức chờ. Đó là những chướng ngại vật doanh nghiệp địa ốc phải tiếp tục đối phó và vượt qua trong năm 2014. Mà chẳng đâu xa thị trường địa ốc cũng đang chứng kiến những cảnh mua đi bán lại rồi đất thôi.