Theo một nghiên cứu của Jennifer West, nhà thiên văn học tại Viện Thiên văn và Vật lý thiên văn Dunlap tại Đại học Toronto (Canada), hệ Mặt Trời đang được bao quanh bởi một "đường hầm uốn lượn" khổng lồ dài 1.000 năm ánh sáng.
Đây là đường hầm gồm các tua từ tính không thể nhìn thấy bằng mắt thường, được liên kết với nhau ở 2 phía đối diện của bầu trời là North Polar Spur và Fan Region.
"Nếu chúng ta có thể nhìn được ánh sáng vô tuyến, khi đó mọi hướng nhìn sẽ có cấu trúc giống như đường hầm", West viết trong nghiên cứu.
Hình ảnh bầu trời đêm (bên phải) dưới dạng sóng phân cực vô tuyến tương tự cấu trúc của một đường hầm uốn cong (bên trái). Ảnh: Jennifer West. |
Giả thuyết này cho thấy một phần thiên hà Milky Way của chúng ta đang nằm bên trong một đường hầm từ trường khổng lồ.
West cho biết sự tồn tại của North Polar Spur và Fan Region đã được phát hiện từ những năm 1960. Tuy nhiên, hiểu biết của các nhà khoa học lúc bấy giờ về những vùng này còn chắp vá.
Nhưng bằng cách sử dụng một mô hình máy tính mới để phân tích dữ liệu từ các quan sát sóng vô tuyến, West và đồng nghiệp đã khám phá được độ dài và vị trí của những vùng bất thường này. Đường hầm từ tính được tạo bởi các tua uốn lượn dài khoảng 1.000 năm ánh sáng, cách hệ Mặt Trời khoảng 350 năm ánh sáng.
Bản đồ minh họa về Dải Ngân hà, bên trong là thanh của các sợi từ tính và Mặt Trời của chúng ta (chấm đỏ nhỏ) bị mắc kẹt giữa chúng. Ảnh: Jennifer West. |
Theo nhóm nhà nghiên cứu, những cấu trúc dạng sợi này xuất hiện khắp nơi trong thiên hà và có thể phát ra nhiều loại ánh sáng khác nhau. Chúng xuất hiện gần tàn tích của những vụ nổ sao khổng lồ, siêu tân tinh, hoặc trong các đám mây phân tử. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn cho rằng các sợi khí phân tử xoắc ốc này đã tạo nên dải Ngân Hà.
West và đồng nghiệp cho biết sẽ tiếp tục phân tích chi tiết mô hình của đường hầm từ tính mà họ mô phỏng. Qua đó, các nhà thiên văn có thể hiểu rõ hơn về sự xuất hiện của sợi từ tính khác trong hệ Mặt Trời, cũng như cấu trúc của thiên hà.