Chính sách một con của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1979 và được thay thế bằng chính sách 2 con vào năm 2015. Ảnh: Barry Lewis/Alamy. |
Tuần trước, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố niên giám thống kê hệ thống trường học của quốc gia này, nhưng lại bỏ qua một điều: số học sinh mới vào nhà trẻ.
Dữ liệu giáo dục, có sẵn trong năm 2015-2020, được các nhà nghiên cứu và nhà kinh tế sử dụng làm tài liệu tham khảo cho những thay đổi trong dân số Trung Quốc. Do đó, sự thiếu sót trong công bố mới nhất sẽ khiến nhân khẩu học thực tế của đất nước tỷ dân trông có vẻ ảm đạm hơn, theo nhà báo Zhou Xin của SCMP.
Số học sinh mới đi học mẫu giáo không được thống kê chính xác, bởi các trường công lập có xu hướng tăng số lượng đăng ký khi nộp đơn xin trợ cấp của chính phủ.
Tuy nhiên, số liệu năm 2015-2020 cho thấy bức tranh đáng lo ngại về quy mô dân số trẻ em ngày càng thu hẹp ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Nó khiến cho giả thuyết rằng Trung Quốc đang bước vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng hợp lý.
Khi số lượng sinh tiếp tục giảm ở Trung Quốc, không khó để tưởng tượng rằng nhiều trường mẫu giáo trên khắp đất nước này sẽ phải vật lộn để tìm đủ trẻ nhập học. Vấn đề sau đó sẽ dần lan sang các trường tiểu học, trung học và đại học.
Trung Quốc sẽ thiếu trẻ em đi học mẫu giáo vì tỷ lệ sinh giảm. Ảnh: VCG. |
Năm ngoái, khoảng 10 triệu thanh niên Trung Quốc được tuyển sinh vào các trường cao đẳng và đại học - ngang bằng với số lượng sinh.
Tác động lên hệ thống trường học của Trung Quốc chỉ là một trong những chi phí kinh tế và xã hội mà quốc gia này sẽ phải đối mặt do cơ cấu nhân khẩu học thay đổi nhanh chóng, một phần là tình trạng khó khăn do con người tạo ra.
Từ đầu những năm 1980 đến giữa những năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chính sách một con một cách tàn nhẫn. Theo phát ngôn viên của Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc vào năm 2013, chính sách này đã làm giảm 400 triệu dân số của đất nước.
Cái giá của “thành tích” đó đang được nhìn thấy.
Ví dụ, hệ thống lương hưu và chăm sóc người cao tuổi của Trung Quốc không được trang bị đầy đủ để xử lý làn sóng người về hưu sẽ đến trong những năm tới.
Trong khi đó, ít người trẻ hơn sẽ là thảm họa đối với thị trường bất động sản và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động của Trung Quốc. Nó cũng đi ngược lại chiến lược lớn của Bắc Kinh về “lưu thông nội bộ” nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vì sẽ khó khuyến khích chi tiêu với ít người trẻ hơn trong xã hội.
Những thay đổi về nhân khẩu học ở Trung Quốc đã diễn ra mạnh mẽ nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ. Nhìn lại, chính sách một con đã thay đổi đáng kể quy mô gia đình, cơ cấu xã hội và nhận thức của người dân, nhưng tác động của thảm họa chỉ mới bắt đầu.
Thực tế là số học sinh mẫu giáo mới được bỏ qua trong niên giám của Bộ Giáo dục chỉ là một dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất của tình trạng sa sút vẫn chưa xảy ra.