Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trái cây ra Bắc phí vận chuyển chiếm 30%, đội giá chục lần

Dù cước vận chuyển chỉ chiếm từ 15-30% giá thành sản phẩm, nhưng tại Hà Nội, giá nhiều loại trái cây miền Nam bị đội lên đến cả chục lần.

Những ngày cuối tháng bảy, nông dân tại Chợ Gạo (Tiền Giang), Châu Thành (Long An) khóc dở mếu dở vì giá thanh long ruột đỏ rớt xuống chỉ còn 3.000 đồng/kg mà vẫn không bán được. Nhiều người phải mang ra đường bán với giá đổ đống 1.500-2.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại các chợ ở Hà Nội, thanh long ruột đỏ vẫn được bán với giá trung bình 35.000-40.000 đồng/kg.

Thậm chí, tại nhiều cửa hàng hoa quả sạch, thanh long ruột đỏ Tiền Giang còn có giá 65.000 đồng/kg, tức cao gấp vài chục lần so với giá tại vườn. Tương tự, giá chôm chôm nhãn tại Tiền Giang ngày 2/8 khoảng 18.000 đồng/kg nhưng ra đến Hà Nội đã dao động từ 55.000- 60.000 đồng/kg. Xoài cát chu tại Tiền Giang có giá 15.000 đồng/kg nhưng giá bán tại Hà Nội khoảng 50.000-60.000 đồng/kg.

trai cay ra bac gia doi gap chuc lan anh 1

Tại các chợ ở Hà Nội, thanh long ruột đỏ vẫn được bán với giá trung bình 35.000-40.000 đồng/kg

 

Nói về trái cây Nam bộ tại thị trường Hà Nội, bà Đỗ Ngọc Trâm - Giám đốc chuỗi cửa hàng Greenlife thừa nhận, giá bán trên thị trường so với giá tại vườn đang có chênh lệch lớn, lý do là ở chi phí vận chuyển. Thêm vào đó, các cửa hàng thực phẩm chuyên cung cấp trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP lại có giá bán vốn cao hơn so với thị trường chung.

Một lý do khác, theo bà Trâm là các cửa hàng thực phẩm sạch hiện đang lấy với số lượng nhỏ nên phí vận chuyển tăng cao, “ăn vào giá thành”. Vì vậy, một số chuỗi cửa hàng thực phẩm đang có kế hoạch “bắt tay” nhau để giải quyết vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc chuỗi cửa hàng Big Green, để đảm bảo độ tươi ngon, nhiều mặt hàng hoa quả của công ty đều vận chuyển bằng đường hàng không khiến giá thành hoa quả Nam bộ bị “đội” lên. Cụ thể, với mỗi ký thanh long ruột đỏ, phí vận chuyển bằng đường hàng không đã làm giá “chênh” đến 14.000 đồng. Tương tự, dâu tây “bay” ra Hà Nội tăng chi phí lên 35%. Cước vận chuyển đang là một cản trở lớn với mặt hàng trái cây, ước tính chiếm khoảng 15- 30% giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, những lý do như phân tích ở trên rõ ràng là không làm thỏa mãn thắc mắc của người tiêu dùng. Thực tế, trái cây từ phía Nam ra miền Bắc đang có giá rất cao, trung bình gấp từ banăm lần; cá biệt có những thời điểm lên tới vài chục lần, như giá thanh long ruột đỏ thời gian qua. Bên cạnh đó, chất lượng của mặt hàng này cũng đang là vấn đề đau đầu.

Chủ một chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại Hà Nội cho biết, dù các kênh phân phối đều đã có giấy chứng nhận tiêu chuẩn của cơ quan chức năng, nhưng không thể đảm bảo có bị ảnh hưởng trong quá trình vận chuyển không.

Nói đơn giản, chỉ một trận mưa cũng có thể khiến hoa quả bị nhiễm nitrat. Bà cho biết, đã kiến nghị cơ quan chức năng về việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm ở cả “hai đầu”. Theo đó, ngoài việc giám sát chặt các hộ sản xuất, Sở NN&PTNT TP Hà Nội cần tiến hành kiểm tra, xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm thường xuyên tại các cửa hàng.

 

 

 


http://phunuonline.com.vn/mua-sam/thi-truong/trai-cay-mien-nam-tren-dat-bac-cuoc-van-chuyen-chiem-30-doi-gia-ca-chuc-lan-80262/

Theo Huyền Anh/Phụ nữ TP HCM

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm