Ngày 11/10, khảo sát của phóng viên tại siêu thị Lotte (quận 7, TP.HCM), ở khu vực kinh doanh trái cây, những vị trí đẹp đều được dành để trưng bày hàng nhập khẩu, trong lúc trái cây Việt Nam phần lớn đổ đống và ít được nâng niu.
Trái cây nhập đa dạng từ táo (xuất xứ Mỹ, New Zealand), lê (Hàn Quốc), nho (Mỹ), kiwi (New Zealand), me (Thái Lan), thậm chí là chuối Dole Việt Nam đã trồng nhiều nhưng vẫn có khu bán chuối nhập từ Philippines.
Đủ loại trái cây ngoại được bày bán với số lượng ngày càng tăng.
|
Tại khu vực kinh doanh nấm, mới nhìn lướt qua thì thấy chủ yếu là hàng Việt Nam, Hàn Quốc do bao bì in nổi bật. Tuy nhiên nếu chịu khó đọc nhãn kỹ, người tiêu dùng sẽ nhận thấy khá nhiều sản phẩm như: nấm đông cô tươi, nấm đùi gà, nấm linh chi nâu, nấm linh chi trắng Trung Quốc... được doanh nghiệp nhập khẩu về đóng gói lại và chỉ ghi một dòng chữ nhỏ là “xuất xứ Trung Quốc”.
Ngược lại, với một số sản phẩm của Hàn Quốc thì bao bì chữ Hàn nổi bật, thông tin của nhà nhập khẩu chiếm diện tích khá khiêm tốn.
Ở chợ truyền thống và các xe hàng rong, rau quả Trung Quốc được bán xen lẫn với hàng trong nước như cà rốt, củ cải trắng, hành, tỏi… và nhiều loại trái cây đặc trưng như táo, lê, lựu.
Theo ghi nhận, trái cây Trung Quốc nhập khẩu sang Việt Nam phần lớn là quả ôn đới, giá rẻ, để được lâu, đa dạng thêm sự chọn lựa của người dân. Các loại rau củ như cà rốt, củ cải trắng,... kích thước đồng đều, giá rẻ. Tuy nhiên, do lo ngại về an toàn thực phẩm nên người tiêu dùng nếu biết hàng Trung Quốc sẽ không mua. Mặt hàng này chủ yếu tiêu thụ ở nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể do ưu điểm rẻ và sơ chế nhanh.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 529 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng gần 37% so với cùng kỳ năm 2015. Nguồn nhập chính là từ Thái Lan, Trung Quốc (chiếm 65,1% thị phần với hơn 407 triệu USD).
Các nguồn cung cấp khác như Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc tuy chiếm thị phần thấp hơn nhưng đều có số tăng trưởng 13%-72%, cho thấy sự sôi động của thị trường rau quả nhập khẩu.
Nhận xét về việc trái cây ngoại ào ạt đổ về Việt Nam, ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Thương mại và Du lịch Suối Lớn (Đồng Nai), cho rằng đó là tất yếu khi hội nhập. “Ở nhiều thời điểm, xoài Thái Lan, Campuchia đổ về Việt Nam, giá xuống thấp khiến người trồng trong nước lao đao, nhưng đó là đặc điểm của ngành hàng trái cây tươi, luôn chịu chi phối bởi yếu tố mùa vụ.
Ngay như xoài chúng tôi xuất khẩu đi Trung Quốc, Australia… cũng phải tính đến yếu tố mùa vụ của các đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Mexico thì mới bán được giá. Do vậy, trong công tác chỉ đạo điều hành, Nhà nước nên cung cấp cho người dân thông tin về sản xuất không chỉ trong nước mà còn trên thế giới để người trồng điều tiết mùa vụ”, ông Bảo nói.
Trong cuộc trao đổi gần đây với báo chí tại TP.HCM, ông Gerald H.Smith (tùy viên nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ), nhận xét Việt Nam là nước nhiệt đới nên người tiêu dùng đã quen ăn trái cây vì những lợi ích cho sức khỏe. Do vậy, khi những loại trái cây ôn đới của Mỹ (hiện tại có 4 loại quả là anh đào, lê, táo, nho) đưa sang Việt Nam rất được người tiêu dùng ưa chuộng, nhu cầu ngày càng tăng.
“Hiện tại còn nhiều loại trái cây Mỹ đang 'chờ' Việt Nam cấp phép nhập khẩu. Hai loại đang ưu tiên xin phép trước là việt quất, phúc bồn tử”, ông Gerald H.Smith thông tin.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thương mại luôn mang tính 2 chiều, nên ngoài việc xuất khẩu các loại trái cây ôn đới sang Việt Nam, Mỹ cũng chủ động giới thiệu các loại trái cây ngon của Việt Nam (thanh long, nhãn, chôm chôm, vải) cho thị trường Mỹ.
Rất ít trường hợp vi phạm?
Mặc dù rau quả nhập khẩu liên tục tăng, đặc biệt là hàng Trung Quốc, nhưng thông tin chúng tôi có được thì trên địa bàn TP.HCM, ngoài mẫu táo Trung Quốc tại chợ đầu mối Thủ Đức nửa đầu năm 2015 có chất Carbendazim (thuốc diệt nấm), đến nay chưa phát hiện vụ vi phạm mới. Tuy nhiên, trước tình hình rau quả nhập khẩu về tiêu dùng trong nước tăng mạnh, ngành nông nghiệp đã có kế hoạch lấy mẫu kiểm tra tăng cường. Trong các tháng cuối năm sẽ lấy thêm 48 mẫu rau quả nhập khẩu so với năm 2015, để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.