Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trách nhiệm thuế ở đâu trong vụ Sabeco?

Cơ quan Nhà nước phải chịu trách nhiệm nếu vi phạm do kẽ hở của chính sách.

Cứ một kẽ hở phát hiện ra rồi bắt người dân gánh chịu rủi ro thì tạo cho người dân, doanh nghiệp (DN) luôn trong thế bất an. Chức năng của cơ quan Nhà nước là phải hoàn thiện, bịt kẽ hở chính sách.

Đó là quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đưa ra tại tọa đàm về việc thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) gây nhiều tranh cãi của Tổng Công ty Bia - rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) do Hiệp hội Bia - rượu - Nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 15/7 ở Hà Nội.

“Nhà nước phải chịu trách nhiệm”

Ông Cung cho rằng, trường hợp truy thu 408,8 tỷ đồng thuế TTĐB của Sabeco như đề nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ khiến cộng đồng DN hoang mang.

“Đây là trường hợp điển hình cho cách thức quản lý theo cơ chế thị trường. Trong cơ chế đó, một DN thành lập các công ty con, cháu là chuyện bình thường. điều đó được pháp luật khuyến khích nhằm giúp DN tận dụng tiềm năng lợi thế của thị trường, đồng thời giảm rủi ro kinh doanh. Việc này cũng đồng nghĩa DN tận dụng lợi thế và cả kẽ hở của chính sách”, ông Cung phân tích.

Nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước là chỉ ra DN sai ở chỗ nào, nếu vi phạm do kẽ hở của chính sách thì cơ quan Nhà nước phải chịu trách nhiệm chứ không thể để DN, người dân gánh chịu. Ông Cung nhấn mạnh: “Do vậy, tôi tin Sabeco sẽ không bị truy thu thuế”.

Một dây chuyền sản xuất của Sabeco.

Một dây chuyền sản xuất của Sabeco.

Đồng quan điểm, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), cho rằng, khi DN tuân thủ đúng quy định của Nhà nước nhưng cơ quan kiểm toán vẫn quyết truy thu không chỉ khiến Sabeco hoang mang mà còn làm cho các DN khác lo lắng. Vấn đề tranh cãi xung quanh câu chuyện này là quan điểm trái ngược giữa cơ quan quản lý và DN. Đó là vấn đề giá tính thuế liên quan tới hệ thống phân phối của DN.

Ông Dũng nhìn nhận: “Theo cơ quan kiểm toán, hệ thống phân phối DN hiện nay của Sabeco được cho là lách thuế, trốn thuế. Trên thực tế các DN lớn như Sabeco thì việc thiết lập hệ thống phân phối gồm nhiều tầng nấc, từ đó hình thành hệ thống phân phối rộng, hiện đại là hợp lý”.

Trước đây các DN thường xây dựng các chi nhánh hạch toán phụ thuộc để quản lý chặt việc bán hàng của các chi nhánh nhưng điều này lại hạn chế không phát huy được tính năng động trong kinh doanh. Trong bối cảnh khi DN chuyển qua hoạt động theo kinh tế thị trường, các chi nhánh được chuyển sang kiểu đơn vị phụ thuộc hạch toán độc lập, buộc các chi nhánh phải tạo ra lợi nhuận, quỹ cho mình.

“Do vậy, nếu nói Sabeco tạo ra hệ thống để lách, trốn thuế là không hợp lý”, ông Dũng kết luận.

Trách nhiệm của thanh tra thuế ở đâu?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, kết luận của KTNN chỉ đúng nếu các công ty con của Sabeco hạch toán phụ thuộc. Nhưng tất cả công ty con của Sabeco đều là DN hoạt động hợp pháp và hạch toán độc lập. Mặt khác, các văn bản luật từ năm 2008 đến nay đều quy định thống nhất giá tính thuế hàng sản xuất bán trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra.

Trong khi đó, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, cho rằng hướng dẫn của Bộ Tài chính hiện nay về cách tính thuế TTĐB ban hành từ năm 2012 là khá rõ ràng. khi Sabeco xây dựng hệ thống phân phối của mình đã báo cáo Bộ Tài chính. DN đã tuân thủ đúng quy định của luật thuế. Cách tính đã tồn tại suốt mấy năm qua.

“Thuế TTĐB là thuế đánh vào khâu sản xuất chứ không phải khâu thương mại. Căn cứ tính thuế của Sabeco không sai so với các quy định hiện hành. Nếu chúng ta đưa ra quy định và DN áp dụng rồi cho rằng DN đó lách kẽ hở của quy định và truy thu là không được", ông Dũng nêu quan điểm.

Do đó, ông Dũng kiến nghị nếu quy định của cơ quan quản lý chưa chặt chẽ thì nên sửa lại nhưng truy thu thuế của DN là không nên.

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng đứng ở góc độ pháp luật, Sabeco không lách thuế, lách luật, không vi phạm pháp luật. Trường hợp của Sabeco là lỗ hổng pháp luật và hiện tượng này xảy ra ở nhiều nước; trách nhiệm thuộc về những nhà làm luật. DN nói chung và Sabeco nói riêng không tự kê khai thuế mà phải được sự chấp thuận của cơ quan thuế trên cơ sở đó mới thực hiện nghĩa vụ thuế.

Trước khi KTNN tiến hành kiểm toán, Sabeco vẫn thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan thuế để nộp thuế. Trong khi đó, hằng năm các cuộc thanh tra của cơ quan thuế đều không có kết luận về việc Sabeco thực hiện không đúng quy định.

Từ phân tích trên, ông Cương đặt vấn đề: “Vậy nếu kết luận của KTNN là đúng thì trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan như thế nào, thanh tra thuế sẽ như thế nào?”.

Phải thu thuế như kiến nghị

Tại cuộc họp báo ngày 10/7 vừa qua, bà Trương Thị Việt Hương, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực 4 - đơn vị trực tiếp tiến hành kiểm toán, cho rằng mô hình của Sabeco là khép kín sản xuất - tiêu thụ, lợi nhuận cuối cùng đều được chuyển về cho công ty mẹ. Do đó, phải thu thuế như kiến nghị của kiểm toán mới chính xác, không để thất thu thuế. Phó tổng Kiểm toán Cao Tấn Khổng nói: “Phát hiện lỗ hổng thì chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước khắc phục. Còn về phía Sabeco vẫn phải thực hiện kiến nghị của kiểm toán”.

Chưa biết phải làm thế nào

Hiện tại Sabeco chưa hiểu phải làm thế nào cho đúng nếu KTNN quyết truy thu bằng được. Nguồn tiền phải trả thực chất là của Nhà nước, lấy từ quỹ dự phòng, lợi nhuận chưa chi. Sabeco sẽ thực hiện theo đúng phán quyết, phần tiền nộp lại của Nhà nước.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco


Sabeco 'đúng', còn Kiểm toán Nhà nước 'sai'

"Sabeco không biết nộp 408 tỷ đồng sẽ thực hiện thế nào", ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco than phiền tại cuộc Tọa đàm về thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco.

http://phapluattp.vn/kinh-te/quan-ly-thi-truong/trach-nhiem-thue-o-dau-trong-vu-sabeco-568870.html

Theo Trà Phương/Pháp Luật TP HCM

Bạn có thể quan tâm