Cạnh tranh bắt đầu gia tăng, các quán trà sữa bắt đầu "chạy" chương trình khuyến mãi giảm giá như "mua 1 tặng 1", khuyến mãi 0 đồng trong một số thời điểm hoặc ngày trong tuần để hút khách.
Thị trường luôn "hot"
"Phố trà sữa" trên đường Ngô Đức Kế, Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) thu hút khách bởi hàng loạt quán trà sữa san sát nhau. Tại đây, ngoài lượng khách hàng thường xuyên là học sinh, sinh viên, giới trẻ văn phòng… thời gian gần đây còn có rất đông nhân viên mặc đồng phục Grab Food, FastGo… tấp nập ra vô mua trà sữa theo đặt hàng của khách.
So với 1-2 năm trước, thời điểm các thương hiệu trà sữa từ Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… liên tục xuất hiện tại TP HCM, "cơn sốt" trà sữa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Phổ biến nhất là các thương hiệu lớn như Dingtea, Koi, Royal Tea, Gong Cha, Toco Toco… Một số thương hiệu Việt như Chevi, Bobapop… cũng tham gia vào thị trường tiềm năng này.
Các tiệm trà sữa san sát trên đường Ngô Đức Kế, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Liêu Lãm. |
Sức "nóng" của trà sữa ảnh hưởng mạnh đến mức trở thành món không thể thiếu trong thực đơn của rất nhiều quán cà phê, quán ăn. Đặc biệt, một số thương hiệu cà phê đã tận dụng chuỗi sẵn có như Highlands bổ sung các dòng trà sử dụng nguyên liệu Nhật vào thực đơn của quán. Chuỗi Coffee House cũng chuyển đổi một số cửa hàng cà phê thành trà sữa.
Chuỗi cửa hàng Phúc Long đang thành công với mặt hàng trà sữa. Thậm chí KFC cũng ra mắt thương hiệu trà sữa riêng. Một số công ty nước giải khát, nước ngọt nghiên cứu làm trà sữa đóng chai, đưa ra thị trường khá thành công.
Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ 2 năm trước. Khảo sát của một số công ty khác cũng đưa ra con số ấn tượng: Tại Việt Nam, trà sữa đang đứng thứ 2 về lượng người ưa chuộng sử dụng với 23% và hầu hết tập trung vào đối tượng là nữ giới (53%) và người trẻ từ 15 đến 22 tuổi (35%).
Cả nước có khoảng 1.500 quán trà sữa với khoảng 100 thương hiệu đang cạnh tranh khốc liệt; con số này có xu hướng tăng nhanh do một loạt thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường.
Theo giới kinh doanh, trà sữa du nhập Việt Nam từ năm 2002 với thành phần chính ban đầu chỉ là trà, sữa và trân châu đen làm từ bột sắn nhưng thật sự phát triển mạnh từ năm 2012 do các thương hiệu trà sữa Đài Loan đưa mô hình kinh doanh dạng chuỗi với thiết kế hiện đại, quy mô lớn vào.
Đặc biệt, thị trường trà sữa "bùng nổ" trong vài năm trở lại đây với hàng loạt chuỗi thương hiệu ngoại nhập lẫn trong nước. Đối tượng tiêu dùng mặt hàng này cũng mở rộng từ tuổi teen đến trung niên, trong đó một bộ phận không nhỏ nhân viên văn phòng đã trở thành "tín đồ" trà sữa với tần suất đặt món ít nhất một lần mỗi tuần.
Có thể phổ biến như cà phê
Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... đã hình thành những chuỗi trà sữa chuyên nghiệp, phong cách, sáng tạo. Từ món uống phổ biến tại Hồng Kông, Đài Loan… trà sữa trở thành thức uống thời thượng, được "biến tấu" thêm các loại trân châu, thạch, trái cây (topping) và đang là thức uống phổ biến của giới trẻ.
Cũng theo ông Quang, phần lớn chuỗi trà sữa tại TP HCM được nhượng quyền thương mại từ nước ngoài về. Với giá bán từ 30.000 đồng đến hơn 80.000 đồng/ly, nhìn vào thành phần nguyên liệu, chi phí… có thể thấy trà sữa đang là ngành siêu lợi nhuận, vì vậy các chuỗi trà sữa trong khu vực tích cực nhượng quyền vào Việt Nam để thu lợi và bán nguyên liệu, máy móc pha chế… Mặc dù vậy, một bộ phận nhỏ doanh nghiệp đang dần nội địa hóa trà sữa.
"Sau thời gian tăng trưởng "nóng" đến 200%, thị trường trà sữa đã dần đi vào ổn định. Nếu cà phê là thức uống phổ biến của người Việt thì trà sữa cũng đã có nhóm khách hàng chuyên biệt, nữ tính hơn nên vẫn rất tiềm năng. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư quán trà sữa rẻ hơn so với quán cà phê nhưng hiệu suất trên mặt bằng, doanh số không thua kém quán cà phê, lợi nhuận thậm chí cao hơn" - ông Quang nói thêm.
TS Đào Duy Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, cũng cho rằng trà sữa có thể phổ biến như cà phê. Tuy nhiên, cà phê và trà là thức uống truyền thống trong khi trà sữa tập trung nhiều vào giới trẻ tại các thành thị. Hành vi mua của nhóm khách hàng này thường theo xu hướng, do vậy trà sữa phải thay đổi liên tục để phù hợp. TS Khương nêu thực trạng hiện tượng một số cửa hàng trà sữa đóng cửa trong thời gian gần đây và cho rằng đó không phải là dấu hiệu cho thấy thị trường trà sữa đang chững lại mà trong kinh doanh, việc mở - đóng cửa hết sức bình thường.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, tốp 5 thương hiệu trà sữa có mức độ phổ biến theo thứ tự là Hot&Cold, Hoa Hướng Dương, Phúc Long, Gong Cha và Tiên Hưởng. Ở phân khúc thấp và trung, Hot&Cold, Hướng Dương và Phúc Long đang dẫn đầu bảng, trong đó Phúc Long đang phát triển khá mạnh về số lượng điểm bán, tập trung ở những tòa nhà, trung tâm thương mại.