“Quận 7 được ví von là lá phổi, nơi thoát nước cho toàn thành phố, nhưng đã bị san lấp hết để xây dựng công trình nhà cửa, đất nền lún xuống. Khi không gian xanh không tương xứng với quy hoạch thì sẽ gây ngập”, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn nói về nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường ở quận 7 (TP.HCM) ngập triền miên.
Người dân quanh các tuyến Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát,… nhiều năm nay sống chung với ngập do triều cường, mặc dù nằm sát sông Sài Gòn. Trong khi đó, dự án ngăn triều chống ngập với kinh phí đầu tư 10.000 tỷ đồng vẫn còn dang dở.
Nước khó thoát vì bê tông dày đặc
Theo ông Ngô Viết Nam Sơn, khu vực quận 7 có nền đô thị thấp so với khu quận 1, 3. Nghịch lý là nơi này dù trũng thấp nhưng quá trình đô thị hóa cao, bê tông dày đặc khiến đất nền sụt lún và tình trạng ngập ngày càng nặng hơn.
Con hẻm 719 đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM) ngập sâu do triều cường nhiều năm nay. Ảnh: Văn Minh. |
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng để giảm ngập, cần 40-50% đất dành cho không gian xanh mặt nước và cân đối giảm diện tích bê tông hóa. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, trong quá trình quy hoạch, nhiều kênh, hồ ở khu vực này bị lấp để làm dự án, dẫn đến hệ lụy tiêu cực tới môi trường.
“Những khu vực giữ được giá trị không gian xanh mặt nước thì không bị ngập. Một minh chứng dễ thấy là khu vực Phú Mỹ Hưng”, ông Sơn nói.
Ở góc độ tự nhiên, TS Nguyễn Văn Hồng, Phó phân Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá mực nước trên sông Sài Gòn gia tăng cùng với những trận mưa lớn ngày càng thường xuyên là một trong những lý do khiến ngập ngày càng trầm trọng.
"Một số nơi ngập sau những trận mưa có vũ lực trên 40 mm trong khi thủy triều đang ở mức thấp chứng tỏ dòng chảy do mưa vượt quá khả năng thoát nước của cống", ông Hồng dẫn chứng.
Nhiều hộ dân ở quận 7 nâng nền nhà để ứng phó với triều cường. Ảnh: Văn Minh. |
ThS.KS Nguyễn Hoàng Mỹ Lan, nguyên Phó trưởng khoa Đô thị học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, thì nhìn nhận tình trạng ngập còn là hệ quả của quá trình quy hoạch phát triển đô thị. Các khu vực có khả năng trữ nước, thấm nước được thay bằng bê tông đã ngăn quá trình nước thấm vào lớp đất bên dưới.
Đánh giá về các dự án chống ngập mà thành phố đang thực hiện như xây dựng hệ thống đê bao và cống ngăn triều, hạ tầng thoát nước, trạm bơm công suất lớn…, bà Lan cho rằng các công trình có thể đem lại hiệu quả nhất định nếu chỉ xét trên phương diện ngập do triều.
Song, tình trạng ngập ở thành phố chủ yếu là do mưa kết hợp với triều nên chỉ giải pháp công trình không thể mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Trả lại khu vực trữ nước
Giải pháp chống ngập quan trọng nhất cho quận 7 được các chuyên gia đề xuất là trả lại những khu vực có khả năng trữ nước, thấm nước để giải tỏa nước mưa và triều dâng.
Bà Nguyễn Hoàng Mỹ Lan dẫn chứng giải pháp chống ngập mà nhiều khu đô thị trên thế giới đang áp dụng đều có chung một nguyên tắc là sử dụng chức năng sinh thái sẵn có của tự nhiên vào hệ thống quản lý nước mưa.
Sinh hoạt của người dân quận 7 đảo lộn vì triều dâng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Hiện nay, cứ ngập là người dân lại nâng nền, xây nhà cao hơn để chống ngập. Bà Lan phân tích đây chỉ là giải pháp tình thế, việc nâng nhà về lâu dài sẽ cản trở đi lại, gây mất mỹ quan của khu vực.
Cùng quan điểm, ông Nam Sơn nói rằng việc nâng nền cục bộ không phải là giải pháp hữu hiệu, nâng cho nơi này cao thì nước lại chảy về nơi thấp. Về lâu dài, phải quy hoạch không gian cho nước, hạ tầng cho cả khu vực, nạo vét kênh rạch và xây dựng hồ điều tiết.
Song song đó, không nên xây nhiều nhà cao tầng, gia tăng mức độ đô thị hóa ở các vùng trùng thấp. Thay vào đó, nên khuyến khích phát triển đô thị ở khu vực có nền đất cao như Củ Chi, Hóc Môn.
Với từng hộ dân, bà Lan đề xuất mỗi hộ nên xây một ngôi nhà xanh bằng cách thu gom nước mưa tại nguồn, tạo vườn tiểu cảnh, bồn hoa hoặc sử dụng các vật liệu dễ thấm nước trong sân.
Việc này cũng cần làm tương tự ở các khu dân cư. Ngoài phủ thảm thực vật tại các không gian công cộng, cần xây hồ điều tiết, sử dụng bề mặt thấm hoặc các rãnh thấm nước tại các bãi đỗ xe. Với các con hẻm, vỉa hè, đường giao thông, cần có rãnh thấm nước và bồn cây, thảm cỏ để chống ngập.
Cùng với đó, nếu giải quyết được việc chống ngập và có thêm nhiều mảng xanh, bộ mặt đô thị và đời sống người dân sẽ có nhiều thay đổi tích cực.
"Đô thị có nhiều mảng xanh thì môi trường sống trong lành, chất lượng nguồn nước, sức khỏe người dân được cải thiện. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng mà thành phố chưa thể đạt được", bà Lan nhìn nhận.
Mức độ đô thị hóa nhanh khiến nhiều nơi ở khu vực quận 7 thường xuyên ngập. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trả lời Zing về tình trạng ngập do triều ở một số tuyến đường quận 7, đại diện Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM), thông tin thành phố đang triển khai dự án giải quyết tình trạng này, trong đó có việc hoàn thành 2 cống lớn là Tân Thuận và Phú Xuân.
"2 cống này đã hoàn thành phần lớn tiến độ, dự kiến năm 2023 sẽ đưa vào sử dụng, sẽ giúp giải quyết tình trạng ngập khu vực Trần Xuân Soạn, Huỳnh Tấn Phát", vị đại diện Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật nói.
Trong đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn giai đoạn 2020-2030, TP.HCM đặt chỉ tiêu tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên công cộng và 10 ha mảng xanh công cộng. Mục tiêu đến năm 2030, đất công viên ở TP đạt 1 m2/người, tăng 450 ha so với năm 2020.
Những cuốn sách hay về xã hội
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về nhiều chủ đề. Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.