Thông tin lãnh đạo cao cấp Mạnh Vãn Châu của Huawei bị bắt tại Canada và có nguy cơ dẫn độ về Mỹ đã làm rung chuyển cả Trung Quốc. Như thường lệ, nhiều người dân tại đây đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa từ Mỹ để đòi lại công bằng cho Huawei.
Một trong những đối thủ lớn của Huawei ở mảng smartphone, không ai khác ngoài Apple là nạn nhân chính của vụ tẩy chay này.
Làn sóng kêu gọi tẩy chay iPhone ngày càng lên cao sau khi giám đốc tài chính Huawei bị bắt. Ảnh: South China Morning Post. |
Làn sóng tẩy chay từ mạng ảo đến đời thực
Rõ ràng, vụ bắt giữ giám đốc tài chính kiêm phó chủ tịch gã khổng lồ ngành công nghệ viễn thông của Trung Quốc không hề liên quan đến việc cạnh tranh của Huawei với đối thủ Apple. Bà Chu bị bắt vì cáo buộc giúp công ty của mình lách luật trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran, và phải đối mặt với mức án lên tới 30 năm tù.
Làn sóng phản đối ở Trung Quốc diễn ra khá mạnh mẽ, và không chỉ từ các cấp chính phủ. Trên những trang mạng xã hội của Trung Quốc như Twittersphere, Weibo... nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Canada và Mỹ, cả việc dừng du lịch tới các nước này.
Nổi bật nhất là các lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của Táo khuyết. Một vài tài khoản Weibo còn đăng tải mẩu thông tin từ các công ty địa phương thề rằng sẽ luôn ủng hộ những sản phẩm trong nước và nói không với hàng Apple.
Một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến hứa hỗ trợ 15% chi phí mua điện thoại Huawei hoặc ZTE, và phạt cực nặng bất cứ nhân viên nào mua iPhone. Một xí nghiệp khác thậm chí còn hứa tặng 72 USD cho nhân viên nào đang sử dụng smartphone Huawei, đồng thời sa thải những ai sử dụng iPhone.
Rất khó để xác thực những tin tức trôi nổi này có đúng sự thật hay không, nhưng nó đã lan truyền khắp mạng xã hội Trung Quốc.
Mỗi khi có những căng thẳng chính trị, nhiều người Trung Quốc lại kêu gọi tẩy chay hàng hóa từ các quốc gia đối đầu. Ảnh: Foreign Policy. |
Apple có nên lo lắng?
Kể từ lúc bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, những lời kêu gọi tẩy chay Apple dường như trở thành một môn thể thao trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Ngay cả trước khi xảy ra những căng thẳng thương mại, hình ảnh người Trung Quốc đập nát iPhone đã phát tán khắp Internet sau khi tòa án quốc tế ở Hague, Hà Lan bác bỏ yêu cầu chủ quyền các hòn đảo tranh chấp với Philippines của Trung Quốc năm 2016.
Những thương hiệu Mỹ không phải là nạn nhân duy nhất chịu sự phẫn nộ của đám đông trực tuyến. Các công ty Hàn Quốc cũng từng phải chịu đựng sự giận dữ sau khi Trung Quốc phàn nàn đồng minh của Mỹ thực hiện cuộc diễn tập hệ thống phòng chống tên lửa THAAD.
Nhưng phản ứng mạnh mẽ nhất của người dân nước này có lẽ là với Nhật Bản khi hai nước tranh chấp vùng đảo Điếu Ngư vào năm 2012. Khi đó đám đông thậm chí đập phá các xe ôtô có nhãn hiệu từ Nhật.
Tuy nhiên, kể cả khi truyền thông nhà nước tham gia chỉ trích Apple, gây áp lực buộc Táo khuyết loại bỏ 25.000 ứng dụng bài bạc bất hợp pháp, các lời kêu gọi tẩy chay thường chỉ xuất hiện từ vài cá nhân đơn lẻ. Tiêu biểu nhất là Rao Jin, người sáng lập trang tin tức trực tuyến April Net, trước đây là “Anti-CNN.com”.
Những cách thể hiện chủ nghĩa dân tộc như vậy hiện đã tìm được mảnh đất màu mỡ trong một số cộng đồng ở Trung Quốc. Đặc phái viên cấp cao của Trung Quốc tại Mỹ, Li Kexin gần đây thừa nhận quốc gia tỷ dân đang nuôi dưỡng một loại “bong bóng dân tộc chủ nghĩa”.
iPhone mất dần thị phần trong hai năm qua vào tay các nhà sản xuất địa phương. Ảnh: SCMP. |
Tuy nhiên cũng có nhiều netizen chế giễu những lời kêu gọi tẩy chay, bởi nếu họ là những nhà yêu nước chân chính, tất cả Windows đang chạy trên máy tính, kể cả Android của Google cũng sẽ bị gỡ bỏ khỏi các thiết bị điện tử ở Trung Quốc.
Với Apple, chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc không phải là điều cần quan tâm, mà là những gì đang diễn ra ở thị trường smartphone nước này. Trong 2 năm vừa qua, Táo khuyết đã mất đi ngôi vương thị phần về tay các đối thủ cạnh tranh địa phương như Huawei và Xiaomi.
Thị trường Trung Quốc rất quan trọng với Apple. Theo số liệu mới nhất từ IDC, số iPhone bán tại Trung Quốc chiếm tới 18% tổng lượng iPhone bán ra. Còn theo Morgan Stanley, vị thế iPhone ở Trung Quốc suy yếu không phải bởi người dân ở đây ưu tiên sử dụng hàng nội địa, mà do khách hàng ngày càng ít thay thế điện thoại của họ.
Đây là những dấu hiệu cho Apple biết rằng họ phải sáng tạo ra những thứ thật sự mang tính cách mạng nếu còn muốn quay lại vị trí dẫn đầu.