TQ ngang ngược ra yêu sách với Việt Nam ở Hoàng Sa
Sau hành vi bắn cháy tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa đáng lên án, Trung Quốc ngang nhiên yêu cầu Hà Nội có biện pháp ngăn chặn ngư dân ta đánh cá hợp pháp trong vùng biển ngoài khơi quần đảo này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. |
Yêu cầu trên được Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đưa ra sau khi Việt Nam mạnh mẽ lên án Trung Quốc về hành vi bắn cháy tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông cách đây một tuần.
Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc phải điều tra và xử lý nghiêm khắc vụ việc đồng thời phải bồi thường thích đáng cho ngư dân Quảng Ngãi nhằm bù đắp những mất mát của họ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bất chấp sai phạm, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn ngụy biện, nước này đã tiến hành điều tra, kiểm tra các cơ quan có liên quan và xác nhận, hành vi bắn cháy tàu cá Việt Nam tuần trước không gây thiệt hại cho ngư dân Quảng Ngãi.
Đồng thời, ông Hồng còn đưa ra đề nghị vô lý rằng, Chính phủ Việt Nam phải tăng cường các biện pháp giáo dục và quản lý ngư dân nước mình để ngăn họ đánh bắt thủy hải sản trong vùng biển xung quanh khu vực.
Chưa hết, ông Hồng đưa ra tuyên bố khó chấp nhận rằng, hành động bắn cháy tàu cá Việt Nam của Trung Quốc là cần thiết và hợp lý để ngăn ngư dân láng giềng đánh bắt thủy hải sản trong vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm qua trong một bản tin cho biết, Trung Quốc vừa cử tàu Ngư Chính lớn ra "tuần tra và bảo vệ nghề cá" ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham tranh chấp với Philippines, đồng thời đe dọa sẽ sử dụng biện pháp mạnh nếu cần thiết.
Theo Tân Hoa Xã, tàu Ngư Chính 46012, thuộc biên chế của Tổng đội Giám sát Hải dương và Nghề cá tỉnh Hải Nam, đã rời cảng Hải Khẩu để tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, điểm nóng về tranh cãi chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc, trên Biển Đông.
Chuyến đi kéo dài tới ngày 13/4 nhằm bảo vệ cái gọi là "chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc, tăng cường quản lý đối với bãi cạn, xử lý các tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải và nghề cá, đảm bảo an ninh sản xuất cho khu vực bãi cạn".
"Trong quá trình tuần tra, nếu phát hiện các nước láng giềng có hành động xâm phạm lãnh hải và nghề cá thì sẽ tiến hành các biện pháp mạnh, nếu cần thiết có thể lên tàu lục soát hoặc bắt giữ", Tân Hoa Xã ngang nhiên dẫn lời ông Ngô Tráng, Cục trưởng Cục Ngư chính Nam Hải thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc.
Phương Đăng
Theo Infonet