Theo Tân Hoa xã, trang web kể trên do Trung tâm thông tin và số liệu hàng hải quốc gia thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc điều hành. Trang web bằng ngôn ngữ tiếng Trung bao gồm hơn 10 mục gồm thông tin cơ bản, tin tức, phát triển và quản lý, ý kiến chuyên gia, luật pháp, ảnh, video và mục hỏi đáp.
Shi Qingfeng, người phát ngôn của Cục Hải dương Trung Quốc, nói rằng trang web lập ra nhằm công khai các chính sách, tuyên bố chủ quyền, cái gọi là "chứng cứ lịch sử" và "pháp luật" của Trung Quốc trên biển Hoa Nam (cách Trung Quốc gọi Biển Đông). Cục này mong muốn đây sẽ là kênh để các chính phủ và tổ chức, nhóm nghiên cứu trên thế giới tìm hiểu về Biển Đông.
Các tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters
|
Trong khi đó, Zhang Haiwen, quan chức phụ trách hợp tác quốc tế của Cục Hải dương Trung Quốc, nói rằng một số thông tin trên mạng về Biển Đông chưa chuẩn xác. Do đó, nước này lập ra trang web để người dân trong nước và nước ngoài cơ hội để "hiểu về sự thật đằng sau 'tranh chấp' ở đây".
Theo ông Zhang, trang web đăng nhiều ý kiến độc quyền của chuyên gia và các bài viết dựa trên nghiên của chuyên gia từ "hàng nghìn bản đồ" và sẽ "phản bác lại các bản đồ của nước láng giềng đưa ra".
Trang web có 6 tên miền chính để "thống nhất thông tin và các mối lo về an ninh".
Trang web của Trung Quốc về Biển Đông được công bố trong bối cảnh Tòa Trọng tài ở The Hague vừa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tòa bác bỏ những cơ sở mà Trung Quốc dựa vào để đòi chủ quyền phi lý trong vùng biển này cũng như bác bỏ giá trị của những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý và có nhiều hành động phi pháp trên Biển Đông, biến khu vực này thành điểm nóng của khu vực. Đồ họa: Wikipedia |
Trước đó, Trung Quốc cũng đã thuê trình chiếu một đoạn video với nội dung tuyên truyền về chủ quyền phi lý của nước này trên Biển Đông giữa Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ, không lâu sau phán quyết của Tòa Trọng tài.
Video được phát bằng tiếng Anh mở đầu bằng các cảnh quay về các đảo do Trung Quốc kiểm soát bất hợp pháp trên Biển Đông. Câu chuyện được tiếp tục bằng giọng điệu và lập luận sai trái quen thuộc của Bắc Kinh, rằng Trung Quốc mới là người phát hiện đầu tiên, đặt tên và khai thác các quần đảo này một cách hòa bình và liên tục.
Nhằm củng cố cho luận điệu tuyên truyền phi lý, đoạn video còn trích dẫn lời nhiều chuyên gia phân tích chính trị trong và ngoài nước gồm Wu Shicun - chủ tịch Viện Nghiên cứu biển Hoa Nam (Biển Đông), bà Catherine West, cựu thư ký phụ trách đối ngoại của đảng Lao động Anh, Masood Khalid – đại sứ Pakistan tại Trung Quốc. Đây là những người mà Tân Hoa Xã nói rằng đều “bảo vệ lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông”.
Tuy nhiên, bà Catherine West sau đó đã lên tiếng bày tỏ tức giận vì bị Trung Quốc dẫn lời nhưng cắt xén, đưa ra khỏi ngữ cảnh nên phát biểu không còn nguyên vẹn và rõ ý, để phát trong đoạn video tuyên truyền sai lệch.
Trước và sau khi Tòa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7, Bắc Kinh luôn rêu rao không tuân thủ phán quyết đồng thời bác bỏ thẩm quyền của tòa vì tòa trọng tài theo UNCLOS không có thẩm quyền giải quyết về chủ quyền. Bắc Kinh vẽ ra đường 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền phi lý với hơn 80% diện tích Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Đường 9 đoạn này chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của nhiều nước láng giềng, thậm chí vào tận vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia trong khu vực.