World Championship, hay thường được gọi là Chung kết thế giới, thu hút những đội tuyển và 200 triệu người xem từ nhiều quốc gia. Đây được xem như Worldcup của LoL, nơi mà những đội tuyển đến từ châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc được coi là ông lớn.
Sự thống trị dai dẳng của Hàn Quốc
Kể từ khi tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011, ngôi vị số 1 của giải đấu đã thuộc về các đội chơi của Hàn Quốc 5 năm liên tiếp. Năm 2017, sau vài năm mất hút, lần đầu tiên hai đội chơi Trung Quốc lọt vào bán kết.
Theo số liệu từ trang web thống kê lượt xem ESC Watch, hai trận bán kết lần lượt có 106 và 90 triệu lượt xem, vượt xa trận chung kết giữa hai đội Hàn Quốc với 75 triệu lượt xem.
Chung kết Liên minh huyền thoại là một trong những sự kiện game lớn nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg. |
Trong trận đấu chung kết của mùa giải 2018, khi Invictus Gaming của Trung Quốc đối đầu với Fnatic của châu Âu, số lượng người xem đạt tới đỉnh 205 triệu. Tuy nhiên nếu chọn không tính số lượt xem từ Trung Quốc, con số đó chỉ còn… gần 2 triệu.
Dù số lượt xem từ Trung Quốc thường được nhìn nhận là “ảo”, không thể phủ nhận sức hút của World Championship. Trận chung kết năm nay được tổ chức tại sân vận động thành phố Incheon, với sức chứa lên tới 50.000 chỗ ngồi. Nhiều fan cuồng nhiệt ngồi trên khán đài trong những bộ đồ cosplay các nhân vật trong game.
Game thủ được chào đón như ngôi sao
Trước trận chung kết, một lễ bế mạc được tổ chức với những ngôi sao nhạc điện tử như The Glitch Mob, Mako hay Madison Beer. Tuy nhiên với nhiều người hâm mộ, vị thế của những game thủ ngôi sao còn cao hơn cả các ngôi sao âm nhạc.
Trong giới hâm mộ LoL, không ai không biết đến Faker, tên thật là Lee Sang-hyeok. Mặc dù mới 22 tuổi, Faker đã được coi là một tượng đài trong game LoL. Anh là nhân tố chủ chốt giúp đội chơi SKT T1 vô địch Chung kết thế giới 3 lần. Trang Facebook của anh có gần 1,5 triệu lượt theo dõi, trang Instagram cũng gần 200.000 lượt.
Chỉ mới 22 tuổi nhưng Faker đã là huyền thoại của làng game LoL, thần tượng của nhiều thanh niên Hàn Quốc. Ảnh: Riot. |
Thu nhập của chàng trai này lên tới hàng triệu USD mỗi năm, trong đó tiền thưởng từ Chung kết thế giới trong vài năm qua đến tới gần 1 triệu USD. Chỉ riêng việc anh này gia nhập đội chơi nào sau khi hết hợp đồng với T1 cũng đem lại những sự bàn tán không kém gì các ngôi sao thể thao.
Lim Yo-hwan hay BoxeR có thể coi là đàn anh của Faker, một ngôi sao thế hệ trước của thể thao điện tử Hàn Quốc. Anh cũng được coi là một huyền thoại trong trò chơi Starcraft, có thu nhập hàng trăm ngàn USD mỗi năm và kết hôn với một nữ diễn viên nổi tiếng.
“Hàn Quốc đã sản sinh ra quá nhiều game thủ tài năng. Đất nước này đã trở thành Brazil của thể thao điện tử”, Song Chong-ho, quản lý của đội T1 nhận xét.
So sánh với Hàn Quốc, nền thể thao Trung Quốc đi sau khá nhiều. Ở Trung Quốc, những game thủ nổi tiếng nhất vẫn chỉ được coi là “người chơi game”, thay vì là “vận động viên thể thao điện tử” như ở Hàn Quốc hay Mỹ. Thái độ của xã hội đối với các môn thi đấu game cũng không được tích cực, nhiều vị phụ huynh cho rằng game sẽ ảnh hưởng xấu đến con em mình.
Một trong những nguyên nhân nghề chơi game chuyên nghiệp không được coi trọng là mức thu nhập của vận động viên khá thấp. Li Xiaofeng, một huyền thoại trong game Warcraft III chỉ nhận được phần thưởng 25.000 USD khi đoạt chức vô địch tại World Cyber Game năm 2005 và 2006.
Bước ngoặt để Trung Quốc vươn lên ở eSport?
Dù vậy, chiến thắng mới đây của Invictus Gaming (IG) có thể mở ra một chương mới cho nền thể thao điện tử Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên một đội Trung Quốc giành chiến thắng ở giải đấu này. Trên Weibo, một thành viên nhận xét về sự kiện:
“Những người lớn tuổi không thể hiểu chuyện gì đã xảy ra. Trước đây khi còn trẻ, chúng tôi luôn bị kêu ca vì chơi game. Sau hôm nay, họ (IG) đã đưa Trung Quốc trở thành nhà vô địch của thế giới”.
“Chiến thắng này giống như đoạt một huy chương vàng Olympic vậy, một ước mơ từ thuở bé trở thành sự thật”, một khán giả khác chia sẻ trên mạng xã hội.
Invictus Gaming giơ cao chiếc cúp vô địch của Chung kết thế giới. Ảnh: Bloomberg. |
Trước chiến tích này, những tờ báo chính thống ở Trung Quốc cũng không giấu nổi sự tự hào. Nhật báo Quang Minh gọi chiến thắng này là “một con đường khác để đạt được ước mơ thể thao của quốc gia”. Thời báo Hoàn Cầu thì nhận xét đây là “chiến thắng lớn của giới trẻ Trung Quốc”.
Cũng cần phải nói chiến thắng của IG có sự đóng góp không nhỏ của những người… Hàn Quốc. Trong số 7 tuyển thủ của đội chơi, có 3 người đến từ Hàn Quốc, chưa kể tới huấn luyện viên của đội.
Nhìn rộng hơn, những đội chơi ở giải đấu của Trung Quốc LPL đã tiến bộ rất nhiều khi “nhập khẩu” những vận động viên, huấn luyện viên và nhà quản lý từ Hàn Quốc. Giống như nhiều ngành nghề khác tại Trung Quốc, nhập khẩu chất xám chính là cách nhanh nhất để đất nước này đạt được thành công.
Làn sóng nhập khẩu ồ ạt này xuất phát từ túi tiền của các ông chủ Trung Quốc, khi sẵn sàng chi mạnh để hút người từ Hàn Quốc. Khi ngày càng nhiều người biết đến những giải đấu thể thao điện tử, thu nhập của vận động viên cũng sẽ tăng lên.
China Daily nhận xét với gần 200 triệu người xem trận đấu chung kết năm nay, những thương hiệu sẽ không muốn ngồi ngoài. Vương Tư Thông, quản lý của IG cho biết mỗi thành viên của đội sẽ được nhận 1 triệu Nhân dân tệ, tương đương 145.000 USD, cho thành tích vô địch.
Cũng cần phải nói là ngành công nghiệp game của Trung Quốc đã phát triển tới tầm cao. Riot Games, nhà phát triển game Liên minh huyền thoại hiện đã thuộc về gã khổng lồ Tencent. Trung Quốc đặc biệt mạnh trong lĩnh vực game trên điện thoại, vốn đang chiếm 38% thị phần game toàn cầu, với 183 triệu game thủ, theo Forbes.
Điểm hạn chế của thị trường game Trung Quốc, như đã nói ở trên, chính là cách nhìn nhận về game ở đất nước này. Chính phủ Trung Quốc luôn đối xử mạnh tay với game, nhưng gần đây còn siết chặt hơn. Đầu năm nay, nước này dừng cấp phép cho các game mới. Đến tháng 8, họ giới thiệu hệ thống chính sách mới, nới lỏng việc kiếm tiền trong game trước khi điều chỉnh luật, cấm cả kiếm tiền từ tháng 10.
Dù vậy, giới trẻ cũng như giới làm game Trung Quốc đang rất kỳ vọng những thành tích gần đây sẽ làm thay đổi thái độ này. Trước IG, các đội tuyển thể thao điện tử của Trung Quốc tại Đại hội thể thao châu Á 2018 cũng giành ngôi đầu với 2 huy chương vàng và 1 huy chương bạc.
Những thành tích liên tiếp này rất có thể sẽ thay đổi cách nhìn của các bậc phụ huynh Trung Quốc với việc con em chơi game, từ đó trở thành bước đệm để ngành thể thao điện tử Trung Quốc phấn đấu cho vị trí số 1 thế giới.
Đây cũng là điều khiến "cường quốc eSport" Hàn Quốc nên lo lắng, không chỉ vì Trung Quốc đang nghiêm túc hơn ở sân chơi LOL, mà còn có thể đe dọa họ ở những game khác.