"Trung Quốc sẽ không đứng yên nhìn và sẽ buộc phải có các biện pháp đáp trả nếu Mỹ triển khai các tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại khu vực này của thế giới", AFP dẫn lời ông Phó Thông, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu hôm 6/8.
"Và chúng tôi sẽ kêu gọi các láng giềng, các nước xung quanh chúng tôi, thận trọng và không cho Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ", ông nói, chỉ ra các nước Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
"Điều đó sẽ không phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia của những nước này", ông Phó nói.
Tuyên bố được xem là phản ứng trước việc ông Mark Esper, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói muốn triển khai tên lửa phóng từ mặt đất đến châu Á, sau khi Mỹ rút khỏi một hiệp ước với Nga vốn trực tiếp hạn chế các loại vũ khí như vậy.
Một hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Nói với các phóng viên trên đường đến Australia hôm 3/8, ông Esper cho biết ông muốn việc này được thực hiện trong vòng "mấy tháng nữa", nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm chính xác cũng như loại vũ khí Mỹ muốn triển khai.
Theo New York Times, động thái này có thể sẽ chọc giận Trung Quốc và Triều Tiên, hai nước vốn từ lâu đã phản đối việc Mỹ triển khai khí tài quân sự tại bất cứ đâu gần biên giới của họ.
Hôm 2/8, Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký với Nga vào năm 1987.
Washington trước đó cáo buộc Moscow lâu nay không tuân thủ hiệp ước, triển khai tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa tầm trung có thể bay trong phạm vi bị cấm.
Hiệp ước này cấm triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất có thể bay từ 500-5.500 km. Nga đã nhiều lần phủ nhận việc họ vi phạm INF.
Mỹ cũng cho rằng INF, dù hạn chế Nga và Mỹ, lại cho phép các nước như Trung Quốc tự do phát triển tên lửa tầm xa.
Ông Esper tỏ ra thận trọng khi nói việc triển khai bất kỳ hệ thống tên lửa nào của Mỹ đến châu Á đều sẽ mang tính "thông thường" về bản chất và nằm trong "phạm vi INF". Ông cũng nói việc triển khai diễn ra "sớm thì tốt hơn là muộn".
Tuyên bố của lãnh đạo mới Lầu Năm Góc là kế hoạch mới nhất của Mỹ nhằm kiềm tỏa Trung Quốc, vốn đang vươn lên cạnh tranh ảnh hưởng với Washington tại khu vực cũng như trên toàn cầu.
Hành vi ngày càng quyết đoán về mặt quân sự của Bắc Kinh, bao gồm tại Biển Đông, đã gây bất an cho các đồng minh Mỹ cũng như các nước láng giềng Trung Quốc.
Dù vậy, Australia hôm 5/8 đã loại trừ khả năng tên lửa Mỹ được triển khai trên lãnh thổ họ, nói Canberra thậm chí chưa từng được hỏi về việc tiếp nhận những tên lửa như vậy.