Chiều 17/11, UBND TP.HCM đã gửi công văn đến các đơn vị trên địa bàn thành phố yêu cầu khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng, tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.
Trước diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, có khả năng ảnh hưởng đến TP.HCM, UBND yêu câu các sở, ngành, quận huyện thực hiện biện pháp theo phương án ứng phó bão mạnh – rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Các đơn vị, địa phương lên phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động thuỷ sản.
Mưa lớn kết hợp với triều cường có thể gây ngập trên diện rộng tại TP.HCM. Ảnh: Tùng Tin. |
UBND đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin để thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đối với các tàu thuyền đánh bắt trên biển, các địa phương phải duy trì thông tin liên lạc với thuyền trưởng, chủ tàu cho đến khi tàu thuyền vào bờ neo đậu an toàn, kiểm đếm, nắm chắc số lượng, vị trí. Tuỳ theo diễn biến, UBND giao Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố quyết định thông báo cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt thuỷ sản, đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến ra khơi.
UBND TP cũng yêu cầu quận huyện lên phương án cứu hộ, di dời người dân đặc biệt là dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) và các hộ dân có nhà đơn sơ, tạm bợ ven sông đến nơi an toàn ngay khi có lệnh của UBND TP.
Hình ảnh vệ tinh của áp thấp nhiệt đới chiều 17/11. Ảnh: NCHMF. |
Cũng trong chiều 17/11, UBND TP đã họp khẩn để lên phương án phòng tránh áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, theo Đài khí tượng thuỷ văn Nam Bộ, đến 13h chiều, cường độ áp thấp vẫn chưa mạnh. Các dự báo vẫn cho rằng bão đả năng đổ bộ vào Ninh Thuận, Bình Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu. TP.HCM chỉ nằm trong khu vực ảnh hưởng gián tiếp mở rộng.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm, dù dự báo bão ít ảnh hưởng đến TP.HCM nhưng các địa phương không được chủ quan vì đường đi của bão có thể thay đổi, diễn biến phức tạp. Đặc biệt, TP.HCM đang trong đợt đỉnh triều cường.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và thuỷ văn Trung ương, hồi 16h, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 460 km về phía đông hơi chếch nam. Sức gió mạnh nhất đạt cấp 6-7, giật cấp 9.
Đêm 17 và ngày 18/11, áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng tây với vận tốc khoảng 25-30 km/h và có khả năng mạnh lên thành bão. Chiều 18/11, tâm bão ở trên khu vực phía tây quần đảo Trường Sa, cách đảo Phú Quý khoảng 370 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đạt cấp 8, giật cấp 11.
Sau đó, bão vẫn giữ hướng di chuyển và vận tốc, rồi suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Lúc này, áp thấp nhiệt đới tiến vào khu vực nam Trung Bộ và các tỉnh miền đông Nam Bộ.