Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM yêu cầu bảo tồn nhiều hạng mục thương xá Tax

UBND TP.HCM vừa có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền về quy hoạch kiến trúc và bảo tồn một số hạng mục của thương xá Tax (quận 1).

Theo đó, UBND TP thống nhất với đề xuất trước đó của Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, Sở Văn hóa - thể thao TP liên quan đến vấn đề này.

UBND TP nhận định giá trị của thương xá Tax không đơn thuần là giá trị công trình, còn là địa điểm tích tụ và di truyền ký ức lịch sử, văn hóa đời sống đô thị, việc xây dựng thương xá Tax mới cần bảo tồn được cảnh quan, điểm nhấn đặc trưng về công trình.

Hai sở trên đã đề xuất UBND TP chấp thuận các hạng mục và giải pháp bảo tồn thương xá Tax để nhà đầu tư đưa vào nghiên cứu ngay trong quá trình lập phương án thiết kế.

Trong đó phần bên trong công trình gồm không gian sảnh chính: không gian thông tầng, ít nhất hai tầng; cầu thang đi từ tầng trệt lên lầu 1 tại khu vực sảnh chính, có tay vịn và lan can bằng đồng với các chi tiết trang trí hoa văn từ thời kỳ đầu; các phần trang trí lót gạch mosaic tại không gian sảnh chính và các biểu tượng gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng gắn ở đầu cầu thang.

Phần bên ngoài gồm bảng hiệu thương xá Tax; mái che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng khối bệ, nhất là góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ.

Những tiểu thương cuối cùng rời Thương xá Tax

14h chiều mai (25/9), các tiểu thương Sài Gòn phải bàn giao toàn bộ mặt bằng Thương xá Tax. Trong sáng nay, những gian hàng cuối cùng đã dọn dẹp nốt để chuyển đi.

Theo báo cáo trên, giải pháp bảo tồn được đề xuất theo hướng giữ lại các hạng mục cần bảo tồn và tích hợp vào công trình mới tại vị trí phù hợp. Phục chế, bổ sung các chi tiết bị hư hỏng, thiếu ở phần bên trong công trình.

Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất mô phỏng lại kiến trúc mặt tiền khối bệ theo hình thức kiến trúc ban đầu năm 1924, để kết hợp với các công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử cùng thời kỳ nằm trong khu vực như tòa nhà UBND TP, Nhà hát TP, chợ Bến Thành nhằm bảo tồn, lưu giữ lại ký ức hình ảnh Sài Gòn xưa, có giá trị lịch sử văn hóa của bao thế hệ cư dân đô thị Sài Gòn.

Báo cáo của UBND TP còn cho biết về chủ trương bảo tồn thương xá Tax đã được xem xét ở giai đoạn cung cấp thông tin quy hoạch kiến trúc dự án (năm 2005), từ cấp độ không gian đô thị đến cấp độ công trình.

Hiện nay, tòa nhà thương xá Tax được Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) thuê đơn vị bảo vệ trông giữ và chưa được phép tháo dỡ. UBND TP đã giao SATRA làm việc lại với đơn vị tư vấn thiết kế nhằm nghiên cứu kỹ và đề xuất cụ thể giải pháp bảo tồn một số hạng mục của thương xá Tax; thông qua Hội đồng kiến trúc - quy hoạch TP trước khi trình UBND TP quyết định.

Từ khi khởi công và xây dựng đến nay, thương xá Tax đã trải qua bốn giai đoạn về hình thức kiến trúc và chức năng (tính từ năm 1922). Ngày nay, mặt đứng thương xá Tax không còn giữ được hình thức, vật liệu, chi tiết trang trí thời kỳ đầu cách đây 92 năm.

Tuy nhiên, bên trong công trình có phần sảnh chính thông tầng, cầu thang từ tầng trệt lên lầu 1 còn giữ lại một số chi tiết trang trí nguyên bản như lan can cầu thang, tay vịn, gạch mosaic.

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141216/tphcm-yeu-cau-bao-ton-nhieu-hang-muc-thuong-xa-tax/685608.html

Theo Nhóm PV/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm