Để được tham gia thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1, tất cả thí sinh phải tham gia xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính. Thí sinh không tham gia xét nghiệm sẽ không được dự thi đợt 1.
Các giáo viên, nhân viên phục vụ kỳ thi cũng phải được xét nghiệm Covid-19. Số đối tượng cần lấy mẫu tổng cộng khoảng 120.000 người.
Tối ngày 1/7, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn, ban hành kế hoạch xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 với những đối tượng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Phạm Ngôn. |
4 ca lấy mẫu trong ngày
Theo kế hoạch, lực lượng y tế sẽ sử dụng phương pháp lấy mẫu gộp, cụ thể là gộp 10 hoặc gộp 15. Tổng số lượng mẫu lấy gồm 17.052 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 89.275 thí sinh. Việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện 4 ca. Mỗi ca lấy mẫu cho 100 người.
Trong đó, ca 1 từ 7h30 đến 9h00. Ca 2 từ 9h đến 10h30. Ca 3 từ 13h đến 14h30. Ca 4 từ 14h30 đến 16h.
UBND TP.HCM giao sở giáo dục phối hợp với sở y tế đảm bảo công tác lấy mẫu được tổ chức thuận lợi, an toàn và thực hiện đúng thời gian quy định; bố trí địa điểm lấy mẫu gần các điểm thi; huy động lực lượng điều phối vị trí, sắp xếp linh động và phân chia thời gian cụ thể theo từng phòng thi tại mỗi điểm thi để đảm bảo giãn cách trong quá trình lấy mẫu.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên và thí sinh thực hiện đúng nguyên tắc 5K của Bộ Y tế trong quá trình chờ lấy mẫu. Điểm lấy mẫu nào xảy ra ùn ứ, không đảm bảo giữ khoảng cách thì trưởng điểm thi, hiệu trưởng trường được sử dụng làm điểm lấy mẫu sẽ chịu trách nhiệm.
Kết quả sẽ được báo về cho thí sinh trong ngày 4 và 5/7.
Thí sinh lấy mẫu xong có phải cách ly tại nhà?
Đối với thí sinh ngoại tỉnh, thành phố sẽ tạo điều kiện hết mức nhưng trên cơ sở tôn trọng lựa chọn của các em. Các thí sinh ngoại tỉnh có thể lựa chọn tham gia thi đợt 1 hoặc đợt 2.
Nếu muốn tham gia thi đợt 1, thành phố khuyến khích lấy mẫu xét nghiệm ở Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của địa phương hoặc di chuyển về thành phố để thực hiện lấy mẫu trong ngày 3/7. Nếu thí sinh xét nghiệm tại địa phương, việc lấy mẫu phải được thực hiện từ ngày 3/7 trở đi.
Về ý kiến lo ngại việc xét nghiệm ngày 3/7 nhưng đến ngày 6/7 thí sinh mới bắt đầu bước vào kỳ thi, trong những ngày này thí sinh vẫn có nguy cơ mắc bệnh, ông Phan Thanh Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho rằng từ ngày 3 đến ngày 7/7 là khoảng thời gian không quá dài để có thể xảy ra việc lây nhiễm.
"Nếu tổ chức xét nghiệm ngay trước ngày thi thì thời gian tổ chức, lấy mẫu quá cập rập. Hơn nữa, giả sử thí sinh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, chúng ta phải xét nghiệm lại để đảm bảo kết quả thì lại tốn thêm một khoảng thời gian nữa. Do đó, phương án lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 3/7 là hợp lý nhất", Phó giám đốc HCDC giải thích.
Ông cũng nói thêm sau khi thí sinh có kết quả xét nghiệm âm tính, không cần yêu cầu các em tự cách ly. Bởi, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 10, nếu thí sinh thực hiện nghiêm thì việc di chuyển, tiếp xúc rất hạn chế.
Ngày 1/7, UBND TP.HCM đã chốt tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 trên địa bàn vào đợt 1. Đợt 1 của kỳ thi sẽ dành cho thí sinh không thuộc vùng phong tỏa hoặc cách ly xã hội, không thuộc đối tượng F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế, quan trọng thí sinh phải có xét nghiệm âm tính với nCoV sẽ dự thi đợt 1. Số thí sinh còn lại dự thi đợt 2 theo lịch của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT TP.HCM thống kê có khoảng 200 học sinh thuộc đối tượng F0, F1, F2 và 991 em đang ở trong khu vực phong tỏa.
Lịch thi tốt nghiệp THPT đợt 1. |