Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 6/4/2007 hơn 126.582 triệu yên, tương đương khoảng 1,09 tỷ USD.
Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vừa “đội” vốn vừa chậm tiến độ (ảnh: Ngôn Dân). |
Tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 236.626 triệu yyên, tương đương 2,49 tỷ USD. Như vậy, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã “đội” tới 1,4 tỷ USD vốn đầu tư.
Trong số này, vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA, trước đây là JBIC) chiếm 209.168 triệu Yên, tương đương 2,2 tỷ USD. Vốn đối ứng từ ngân sách thành phố chiếm 27.458 triệu Yên, tương đương hơn 289 triệu USD.
Theo UBND TP.HCM, nguyên nhân điều chỉnh tăng vốn đầu tư tuyến Metro này là sự biến động khách quan của nguyên - nhiên liệu, việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009.
Tăng khối lượng xây dựng cho dự án nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án. Cụ thể, tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu tăng lưu lượng hành khách dự báo vào năm mục tiêu thiết kế là năm 2040 (thay vì năm 2020 như trong dự án đầu tư).
Cập nhật tỷ giá yên - VND, tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá cũng được cập nhật theo quy định mới, tính toán cho đến năm 2019 làm cho tổng mức đầu tư dự án tăng…
Về tiến độ thực hiện dự án, theo Quyết định duyệt điều chỉnh dự án số 4480/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 của UBND thành phố, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018.
Tuy nhiên, tại văn bản số 5192/UBND-QLDA gửi Bộ Giao thông Vận tải mới đây, UBND TP.HCM cho biết tiến độ thực hiện tổng thể dự án hiện nay đã chậm so với quyết định đã được phê duyệt, thời gian xây dựng hoàn thành cho toàn bộ tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên khó đảm bảo hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2017 như đã được phê duyệt.