Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM truy vết tội phạm qua hệ thống camera

Hệ thống camera truy vết tội phạm, mạng xã hội do Công an TP.HCM thiết lập với mục đích phục vụ phòng chống tội phạm thời đại mới đã đạt được nhiều kết quả.

Hệ thống camera an ninh không chỉ giúp Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) xử lý nhiều vụ việc vi phạm hành chính mà còn hỗ trợ truy bắt nhiều băng nhóm, đối tượng phạm tội cướp giật, trộm cắp tài sản.

"Mắt thần" truy vết tội phạm

Tháng 3/2022, Công an phường Tam Bình, TP Thủ Đức (TP.HCM) nhận được tin báo của anh P.T.C (SN 1999, ngụ TP Thủ Đức) bị kẻ gian lấy mất giỏ xách bên trong chứa một máy tính xách tay trị giá 14 triệu đồng.

Trích xuất camera trên tuyến đường xảy ra vụ việc, công an phát hiện lúc 9h43 ngày 16/3, một người đàn ông đội mũ bảo hiểm trắng - đỏ, mặc áo sơ mi sọc caro đi ngang qua xe anh C. và có ôm một giỏ xách màu đen.

Công an xác định đây chính là người đã lấy tài sản của anh C. nên mời về trụ sở làm việc. Tại công an, người đàn ông khai tên Trần Anh Tú (SN 1982, ngụ TP Thủ Đức), thừa nhận đã lấy cắp giỏ xách của anh C.. Công an đã thu hồi tang vật trả lại cho bị hại.

Từ khi "mắt thần" được kết nối từ các tuyến đường đến cổng chính tại trụ sở Công an phường Tam Bình, tổ công tác đã bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội, xử lý nhiều trường hợp đua xe, vi phạm hành chính trên địa bàn. Một cán bộ công an cho biết: "Mắt thần" không chỉ phục vụ truy bắt tội phạm mà còn lưu giữ hình clip, hình ảnh làm bằng chứng giúp công an đấu tranh với các đối tượng ma mãnh".

Truy vet toi pham qua he thong camera anh 1

Công an TP Thủ Đức đang giám sát camera truy vết tội phạm trên các tuyến đường. Ảnh: Sỹ Hưng.

Cụ thể, cuối năm 2021, tổ công tác Công an phường Tam Bình đang tuần tra trên đường Gò Dưa thì phát hiện Nguyễn Hữu Bảo Anh (SN 1993) nghi vấn cướp giật tài sản nên mời về trụ sở làm việc. Bảo Anh không thừa nhận hành vi cướp giật tài sản nhưng từ chứng cứ của hệ thống camera giám sát, Công an phường Tam Bình phối hợp với Đội Cảnh sát Hình sự - Công an TP Thủ Đức đã buộc thanh niên này thừa nhận hành vi của mình.

Bảo Anh khai tháng 11/2021, điều khiển xe máy cướp giật giỏ xách của một người phụ nữ bên trong chứa một điện thoại di động và 10 triệu đồng trên đường Gò Dưa. Khoảng một tuần sau, Bảo Anh thực hiện một vụ cướp khác nhưng không thành công.

Công an TP Thủ Đức cho biết hệ thống camera giúp ích trong việc đấu tranh với các đối tượng tội phạm hoạt động chuyên nghiệp. Điển hình công an 34 phường thuộc TP Thủ Đức đã vào cuộc truy vết nhanh tin báo của người dân về một nhóm tội phạm hoạt động bài bản, ít để lại dấu vết.

Bị bắt khi đang trộm xe máy, Hoàng Đức Đại (SN 1995) và Nguyễn Đức Duy (SN 1990) đã khai ra hàng loạt vụ trộm khác thực hiện cùng Trần Linh Phi (SN 1988). Sở dĩ băng này phải tâm phục khẩu phục thừa nhận hành vi là do các lần gây án đều bị camera ghi hình.

Bên cạnh việc bắt giữ kẻ trực tiếp trộm cắp, Công an TP Thủ Đức cũng đã lôi ra ánh sáng nhiều đầu nậu tiêu thụ tài sản do người khác mà có. Nhờ vậy, trong quý I/2022, tình hình tội phạm trên địa bàn liên tục được kéo giảm.

Người dân tương tác trên mạng

Đầu năm 2021, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo công an các đơn vị, quận, huyện gấp rút xây dựng và đưa vào sử dụng các trang mạng xã hội trên các ứng dụng Facebook, Zalo, YouTube. Bên cạnh việc phổ biến các quy định pháp luật, cảnh báo người dân các thủ đoạn phạm tội mới; mạng xã hội của Công an TP.HCM còn tiếp nhận tin báo tố giác; giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Sau hơn một năm triển khai, đến nay Công an TP.HCM đã đưa vào sử dụng 29 trang mạng xã hội của các đơn vị nghiệp vụ cấp phòng, công an cấp quận, huyện và 52 trang mạng xã hội của công an cấp phường, xã. Các trang mạng xã hội của Công an TP.HCM đã đăng tải 3.586 tin, bài viết, 215 video, 5.184 hình ảnh.

Qua đó, Công an TP.HCM nhận thấy người dân tương tác với các đơn vị ngày càng tăng về số lượng và tin báo, lượt tra cứu thông tin phương tiện vi phạm qua hình ảnh.

Ngoài ra, hàng nghìn lượt truy cập dịch vụ công trực tuyến như nộp phạt, đăng ký xe trên các trang mạng xã hội. Công an TP.HCM cũng đã tiếp nhận và hướng dẫn, trả lời 267.726 lượt câu hỏi, ý kiến về các thủ tục hành chính và 3.079 tin báo của người dân liên quan an ninh trật tự và các nội dung khác liên quan công tác công an.

Một số trang mạng xã hội cũng đã tích hợp các tiện ích, tính năng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi cung cấp thông tin về an ninh trật tự, thực hiện các thủ tục hành chính.

Cụ thể, các trang Zalo đã tích hợp tính năng nộp phạt, đăng ký xe, bốc số tự động, đăng ký căn cước công dân, trực tuyến. Hiệu quả rõ rệt nhất là trang Zalo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ kết nối ứng dụng "Help114", "Báo cháy 114", giúp cho người dân nắm bắt thông tin về các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố.

Theo Ban Giám đốc Công an TP.HCM, mặc dù chỉ mới triển khai nhưng mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin quen thuộc, giúp người dân thuận tiện trong việc tiếp cận các thủ tục hành chính, cung cấp thông tin cho cơ quan công an về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật cũng như cập nhật kịp thời các phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm.

Liên tục đổi mới

Trong thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ nghiên cứu bổ sung các tính năng, tiện ích mới; đa dạng hóa các hình thức, nội dung đăng tải; phát triển thêm các trang mạng xã hội đến tất cả đơn vị công an cấp cơ sở.

"Công an TP.HCM không ngừng tiếp thu, lắng nghe ý kiến từ người dân để các trang mạng xã hội hoạt động hiệu quả hơn, trở thành kênh thông tin chính thống, đáng tin cậy của người dân TP.HCM", lãnh đạo Công an TP.HCM thông tin.

CSGT soi camera để xử nghiêm tài xế chạy vào làn khẩn cấp trên cao tốc

Tình trạng ôtô đi vào làn dừng khẩn cấp diễn ra phổ biến khi các tuyến cao tốc ùn tắc. Lãnh đạo Cục CSGT cho hay sẽ xử nghiêm tình trạng này, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

https://nld.com.vn/phap-luat/truy-vet-toi-pham-qua-he-thong-camera-20220516195805699.htm

Sỹ Hưng - Phạm Dũng/ Người Lao động

Bạn có thể quan tâm