Sáng 30/1, UBND TP.HCM gặp mặt các cá nhân, đơn vị tiêu biểu tham gia vận chuyển cấp cứu bệnh nhân mắc Covid-19 trong thời gian vừa qua.
Họ đa phần là những tài xế thuộc Trung tâm cấp cứu 115, taxi Mai Linh, taxi Vinasun, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang và các nhóm thiện nguyện.
Chở bệnh nhân đi tìm sự sống
Rất nhiều mô hình vận chuyển, cấp cứu liên tiếp ra đời trong bối cảnh TP.HCM gặp nhiều khó khăn khi ứng phó với đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh mẽ, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Cũng trong bối cảnh đó, nhiều tài xế bất chấp tham gia chống dịch bằng cách vận chuyển bệnh nhân Covid-19 đi tìm sự sống.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi họp mặt. Ảnh: An Huy. |
Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM ví những chuyển xe của các tài xế là câu chuyện về tình người giữa lằn ranh sinh tử. Họ cũng là những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro để cứu người. Thậm chí, nhiều tài xế còn làm thay chức năng của bác sĩ để tư vấn tâm lý, chăm sóc, hỗ trợ người bệnh lúc cô đơn, khó khăn, hoang mang nhất.
Trong quá trình làm việc, không ít tài xế đã mắc Covid-19. Khi khỏi bệnh, họ tiếp tục xin ở lại để ngồi sau vô lăng, âm thầm có mặt trên khắp các nẻo đường, bất kể ngày đêm để cứu người. Ngoài vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19, các tài xế còn chở cả tro cốt nạn nhân không may tử vong về với gia đình.
“Các tài xế là người bình thường nhưng có hành động và suy nghĩ rất phi thường”, ông Nên tri ân và cho biết người dân thành phố rất trân trọng những đóng góp này.
Chưa có một giấc ngủ bình yên
Là một trong những tài xế xe cứu thương đầu tiên tại TP.HCM tiếp xúc các ca F0 nhưng chưa được tiêm vacine Covid-19, anh Lâm Hoàng Long (nhân viên lái xe cứu thương Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM) chia sẻ với Zing niềm tự hào khi là một trong những lực lượng tuyến đầu giúp TP.HCM đẩy lùi đại dịch.
“Ban đầu nhận nhiệm vụ tiếp xúc F0, tôi cũng hơi hoang mang. Tôi lên đường chỉ với bộ đồ bảo hộ và cồn sát khuẩn. Tiếp xúc với một vài ca nhiễm SARS-CoV-2, tôi vẫn bình an nên có thêm nghị lực phấn đấu cứu người”, tài xế Long chia sẻ.
Tài xế Long cho biết rất tự hào khi tham gia chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: An Huy. |
Nam tài xế kể lại nhưng hoàn cảnh đầy xót xa khi bệnh nhân chưa kịp đến viện đã tử vong, hoặc vì cơ sở y tế quá tải mà không được tiếp nhận. Những lúc ấy, dù lo sợ bị nhiễm bệnh, anh cho biết các tài xế luôn động viên giữ vững quyết tâm vận chuyển bệnh nhân một cách nhanh chóng, an toàn nhất. "Nếu mình không làm thì ai cứu giúp bệnh nhân”, anh Long trăn trở.
Tài xế taxi Mai Linh Đặng Xuân Tùng nhớ những ngày nắng nóng phải mặc đồ bảo hộ suốt 5 giờ, mồ hôi ướt đẫm nhưng "khát nước không dám uống".
"Ba tháng tham gia chống dịch, tôi chưa có một giấc ngủ bình yên. Việc gia đình động viên, 2 đứa con tự hào về bố đã tiếp thêm tinh thần cho tôi làm nhiệm vụ”, anh Tùng chia sẻ.
Cũng theo tài xế Tùng, trải qua hơn 3 tháng tham gia chống dịch, nhiều lúc anh cũng áp lực vì lịch trình đưa đón bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 dày đặc. Có những bệnh nhân nặng hơn 100 kg ở trên lầu 3, anh phải hỗ trợ nhân viên y tế khiêng xuống và chở đi bệnh viện dã chiến.
Cho rằng cứu người là nhiệm vụ cao cả, anh Tùng đã cố gắng giúp bệnh nhân tiếp tục sự sống.