Hội nghị nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho giai đoạn những năm tiếp theo. Đồng thời, đánh giá mô hình hoạt động của Hepza; biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của các KCX, KCN TP.HCM.
Những thành công của mô hình Khu chế xuất, khu công nghiệp
Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, Chính phủ chủ trương làm thí điểm một mô hình kinh tế nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mô hình KCX đầu tiên của cả nước - KCX Tân Thuận đã ra đời vào ngày 25/11/1991.
Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. |
Vượt qua những khó khăn thử thách, từ thành công của mô hình KCX Tân Thuận, lần lượt các KCX, KCN tại TP.HCM, cũng như hầu hết tỉnh, thành trong cả nước được thành lập. Sau 30 năm, TP.HCM có 3 KCX và 14 KCN đi vào hoạt động, góp phần thực hiện các mục tiêu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM phát triển.
Lũy kế đến tháng 9/2022, các KCX, KCN đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%. Bình quân hàng năm, các KCX, KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP.HCM trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của KCX, KCN đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM. Trung bình, các KCX, KCN hàng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách thành phố (không kể dầu thô); giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của TP.HCM.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX, KCN của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”. Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với việc ra đời và phát triển của KCX Tân Thuận. Với những bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các KCX, KCN TP.HCM, cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế (KKT) trong cả nước từ đó đến nay.
Hoạt động của Tổ tiếp nhận và hoàn trả kết quả theo mô hình một cửa tại chỗ. |
Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho các KCX, KCN trong giai đoạn sắp tới
Qua quá trình phát triển, các KCX, KCN của Thành phố đã tạo được nền móng đầu tiên cho việc thu hút FDI vào thành phố và cả nước, thúc đẩy sự phát triển đô thị ở các khu vực xung quanh và hình thành hành lang pháp lý trong suốt quá trình hoạt động.
Trước bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh trên mọi lĩnh vực; đặc biệt khi nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phục hồi sau đại dịch đã đặt ra cho các KCX, KCN của thành phố yêu cầu phải đổi mới.
Đầu tiên là tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ.
Doanh nghiệp công nghệ cao. |
TP.HCM cũng cần tập trung xây dựng mới các KCN theo mô hình KCN chuyên ngành như công nghiệp dược, công nghệ thông tin, điện điện tử, cơ khí chế tạo, lương thực thực phẩm… gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển bền vững các KCX, KCN.
Sản xuất ứng dụng công nghệ cao. |
Các KCX, KCN cần tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1 ha đất, từ trung bình 6,23 triệu USD/ha lên 15 triệu USD/ha vào năm 2025. Đồng thời, nâng cao năng suất lao động và trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân, người lao động trong các KCX, KCN.
Sau 30 năm hình thành và phát triển, các KCX, KCN đã đạt được thành quả nhất định, hoàn thành sứ mệnh của giai đoạn đầu và tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo. Trong giai đoạn phát triển mới, các KCX, KCN của thành phố sẽ góp phần từng bước hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của TP.HCM trong vùng Đông Nam Bộ, là thành phố hiện đại, thông minh, năng động sáng tạo. TP.HCM trở thành nơi thu hút nhân tài, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.