Đây là một trong những định hướng nhằm nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM.
Theo báo cáo của Sở GTVT, từ đầu năm đến nay, sản lượng hành khách đi xe buýt tại TP giảm, chỉ bằng 91% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do số lượng tuyến xe buýt có trợ giá đang hoạt động giảm 5 tuyến, một số tuyến xe đã cũ như 61, 66, 78, 102…dẫn đến chất lượng dịch vụ kém và không thu hút người đi.
Mặc khác, sự phát triển của các loại hình Grab, Go-Viet, Bee..., đang cạnh tranh khá lớn với xe buýt và hành khách có xu hướng sử dụng những dịch vụ này cho những chuyến đi có cự ly ngắn.
Vì vậy, để nâng cao sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ rà soát và kết nối với các khu dân cư, trung tâm thương mại, trường học và các phương thức vận tải khác... Đồng thời, Sở cũng sẽ tiếp tục theo dõi thực hiện ứng dụng vé điện tử thông minh, thí điểm hệ thống thanh toán tự động.
Sẽ có các tuyến xe buýt kết nối với tuyến metro 1. |
Ngoài ra, một giải pháp mới được Sở GTVT đưa ra là sẽ rà soát, đề xuất tổ chức các điểm giữ xe máy cho khách đi xe buýt tại bến xe buýt và khu vực cửa ngõ thành phố. Hoàn chỉnh và thực hiện lấy ý kiến về Đề án quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng TP.HCM đến năm 2025 để hình thành mạng lưới xe buýt liên thông, phủ khắp.
Trước đó, Sở cũng đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM xin chủ trương đầu tư dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020 và chính thức đi vào hoạt động vào năm 2021.