UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc giao chính quyền quận 3 chủ trì thực hiện cải tạo, chỉnh trang phần lõi công viên hồ Con Rùa (quận 3) nhằm đồng bộ với những tuyến đường xung quanh khu vực đã chỉnh trang hồi tháng 8, nguồn kinh phí xã hội hóa theo ý kiến của địa phương trước đó.
Đánh giá hiện trạng lõi công viên, Sở Xây dựng cho biết khu vực đang được sử dụng sỏi rửa, đá mài, dẫn đến sự chênh lệch về chất liệu lẫn thẩm mỹ với phần vỉa hè và đường dạo xung quanh hồ Con Rùa.
Ngoài ra, hồ nước cũng xuất hiện hiện tượng bị thấm nên không được duy trì mực nước ổn định.
Công viên hồ Con Rùa có tổng diện tích hơn 3.843 m2, bao gồm hồ nước 2.289 m2, đường dạo 937 m2, mảng xanh là 617 m2.
Hồ Con Rùa có tháp chính cao 34 m cùng hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc là địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Công trình nâng cấp, cải tạo vỉa hè xung quanh khu vực hồ Con Rùa được thực hiện hồi tháng 4, hoàn thành vào tháng 8 vừa qua. Theo kế hoạch trước đó, giai đoạn 1, hồ con Rùa được cải tạo phần lõi trung tâm, hồ nước. Giai đoạn 2, chính quyền quận 3 muốn đầu tư toàn khu vực hồ Con Rùa theo phương án thiết kế phố đi bộ. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách và xã hội hóa.
Phố đi bộ hồ Con Rùa có quy mô 19.500 m2, chia làm 5 khu chức năng: Khu hồ nước ở trung tâm; khu trình diễn ở đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến Công trường Quốc tế); khu văn hoá - triển lãm ở đường Võ Văn Tần (đoạn từ Công trường Quốc tế đến Pasteur); khu ẩm thực ở đường Trần Cao Vân (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Công trường Quốc tế); khu giải trí ở đường Phạm Ngọc Thạch (đoạn từ Công trường Quốc tế đến Nguyễn Đình Chiểu).
Hồ Con Rùa trước đây là tháp nước Chauteau D’eau, ở công trường Maréchal Joffre, được xây dựng từ 1878, tồn tại giai đoạn 1895-1905. Sau đó, nơi đây trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và hình hài cho đến những năm 1960-1972. Hồ Con Rùa được quy hoạch trở thành công trường rộng gần 1 ha.
Nơi đây có tấm bia đặt trên một con rùa lớn bằng hợp kim đồng. Tấm bia và con rùa sau đó bị phá hủy trong một vụ nổ. Dù con rùa không còn, người dân vẫn quen cách gọi cũ thay vì tên chính thức là Công trường Quốc Tế.
Mục Xã hội gửi đến độc giả gợi ý về một số tác phẩm hay, tin tức xuất bản về chủ đề xã hội, thời sự, chính trị.