Tại hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 diễn ra chiều tối 15/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu báo cáo về sự thay đổi trong chiến lược xét nghiệm của thành phố thời gian qua. Ông Ngô Minh Châu được giao phụ trách việc xét nghiệm và truy vết trên toàn thành phố.
Lấy mẫu chỉ tiêu lớn nhưng chất lượng không cao
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết kết quả nổi bật nhất thời gian qua là hạn chế mức thấp nhất sự lây lan F0 tại cộng đồng. Với số lượng F0 phát hiện thời gian qua, ông Ngô Minh Châu nhận định dịch đã tiềm ẩn âm thầm trong cộng đồng.
"Đánh giá trong 7 ngày tới, chúng ta có thể phát hiện thêm trên dưới 9.000 ca nữa mới giải quyết cơ bản tình hình, sau đó mới trở lại mức độ thấp đáng kể", ông Châu nhận định.
Tỷ lệ phát hiện F0 là 0,06-0,08%, công sức đổ ra nhiều nhưng thu hoạch đạt được không cao, lãng phí nhân lực, thời gian
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu
Về công tác xét nghiệm, ông Châu cho biết các lãnh đạo Trung ương, thành phố đều xác định công tác lấy mẫu là khâu đột phá.
"Thành phố đã có kế hoạch tổ chức làm. Nhưng qua đó có một điểm cần rút ra là ta lấy lượng mẫu rất nhiều nhưng năng lực thực tế xét nghiệm không đạt được mức độ lấy mẫu, nên nảy sinh nhiều việc thực hiện không kịp", ông Châu rút ra bài học.
Kinh nghiệm thứ hai là áp lực lấy mẫu theo chỉ tiêu lớn nên nảy sinh vấn đề như nhập liệu và lấy mẫu chất lượng không cao.
"Tỷ lệ phát hiện F0 là 0,06-0,08%, công sức đổ ra nhiều nhưng thu hoạch đạt được không cao, lãng phí về nhân lực cũng như thời gian để thực hiện phòng, chống Covid-19", ông Châu nói.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HMC. |
Nhận rõ hạn chế này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã thành lập Trung tâm Điều phối công tác lấy mẫu xét nghiệm và khắc phục các hạn chế.
Ông Châu cho biết trước đây, thành phố lấy mẫu diện rộng, muốn lấy số lượng nhiều nhưng hiệu quả thấp. Hiện nay, cách đánh không phải bao vây mà đánh thẳng vào trung tâm.
"Chúng ta phải đánh trúng trọng điểm, sau đó đánh ra vùng lân cận nên hiệu quả rõ nét", ông Châu nhận định.
Thay đổi nổi bật khác là cân đối giữa lấy mẫu và xét nghiệm, đảm bảo khớp nhau. Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp giữa lấy mẫu đơn, mẫu gộp và xét nghiệm kháng nguyên nhanh để tiết kiệm thời gian, có hiệu quả cao hơn.
TP.HCM có điều trị tập trung được 50.000 F0?
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định thời gian qua việc áp dụng Chỉ thị 16 còn khiếm khuyết như có hiện tượng tập trung đông người. Số ca những ngày trước có giảm; tuy nhiên, từ 4/7 số ca lại tăng, ông Bình yêu cầu làm rõ bản chất của sự gia tăng này.
Ông Bình cho biết tỷ lệ tử vong ở thành phố hiện là 7/1.000 (tính đến 15/7). "Nếu không kéo giảm được thì phải suy nghĩ kéo dài thêm tuần lễ giãn cách nữa để dứt khoát, quyết liệt, dứt điểm", ông Bình nhận định.
Cần huy động nguồn lực xã hội để giảm tải cho khu cách ly và ứng phó với tình hình nếu xấu hơn
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Phó thủ tướng đặt câu hỏi nếu số F0 tăng lên 50.000, liệu thành phố có thể điều trị tập trung được hết? Ông nhắc lại thống kê cho thấy 80% F0 không có triệu chứng và yêu cầu tính toán phương án phù hợp.
"Phải tính F0 tập trung chữa trị được thì quá tốt, nhưng sức quá tải rồi thì tinh thần lực lượng cũng sẽ uể oải. Chúng ta phải tính số lượng này, không khéo thì vắt hết lực mà không giải quyết được", Phó thủ tướng đề nghị. Ông cũng yêu cầu chăm sóc tinh thần người bệnh, không để hoang mang.
Về phương án cách ly tại nhà, Phó thủ tướng cho rằng cách làm này cần sự giám sát cao độ của cộng đồng. Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM cần huy động nguồn lực xã hội để giảm tải cho khu cách ly và ứng phó với tình hình nếu xấu hơn.
UBND TP.HCM vừa có văn bản chấn chỉnh hoạt động xét nghiệm tại các địa phương. Ảnh: Duy Hiệu. |
Chỉ thị 16 áp dụng trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7. Trong thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
TP.HCM đã chuẩn bị đủ hàng hóa để cung ứng cho người dân và đề nghị người dân không tích trữ lương thực, thực phẩm, gây tập trung đông người tại các điểm mua, bán nhu yếu phẩm.
Từ 27/4 đến tối 15/7, TP.HCM ghi nhận 21.495 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.