Sau những trường hợp mắc Covid-19 liên tiếp được công bố tại Đà Nẵng, UBND TP.HCM cùng các sở, ngành lập tức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tái khởi động những phần việc cấp bách để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 kéo đến.
Khi số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đạt tới con số 420 vào hôm 26/7, buổi họp khẩn cấp của Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 TP.HCM được triệu tập ngay chiều chủ nhật. Tại buổi họp, Sở Y tế đã đưa ra giải pháp rà soát lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ hành khách từ Đà Nẵng tới TP.HCM trong tháng 7.
Trong sáng 28/7, khi số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng thêm 11 ca, ban chỉ đạo tiếp tục họp khẩn để bàn về những hành động cụ thể cần làm ngay nhằm đón đầu nguy cơ dịch Covid-19 có thể quay lại thành phố đông dân nhất cả nước.
Không để xảy ra làn sóng dịch Covid-19 thứ 2
Đêm 28/7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm ký công văn khẩn gửi lãnh đạo các sở, ngành và người đứng đầu UBND 24 quận, huyện về việc tiếp tục kiên trì nguyên tắc chống dịch: Ngăn chặn - cách ly - khoanh vùng - dập dịch. Trong đó, phương châm phòng dịch, phát hiện kịp thời, cách ly triệt để được đặc biệt quan tâm trong tình hình mới của dịch Covid-19.
"Cần phát huy tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch, tự giác bảo vệ chính bản thân và gia đình trước nguy cơ dịch bệnh", Phó chủ tịch UBND TP.HCM kêu gọi.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm. Ảnh: Quang Huy. |
Sở Y tế trong thời gian này cần tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả trường hợp có triệu chứng mắc bệnh hô hấp hoặc viêm phổi trong cơ sở y tế cũng như các trường hợp nghi mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Trong quá trình giám sát, lực lượng ngành y cần thực hiện trên diện rộng để phát hiện nguồn lây, đặc biệt thời điểm ghi nhận chùm ca có triệu chứng trong khu dân cư.
Các cơ sở cách ly tập trung tại quận, huyện cần chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng từng tình huống dịch bệnh xảy ra.
Tại cuộc họp khẩn diễn ra cùng ngày, ông Lê Thanh Liêm đề nghị người dân TP.HCM tiếp tục đeo khẩu trang khi ra đường và tham gia các hoạt động xã hội. Sở Y tế TP.HCM cần phối hợp công an thành phố, Sở GTVT TP.HCM kích hoạt lại và áp dụng linh hoạt các bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 của từng ngành.
Sở Y tế cũng được giao tiếp tục tổ chức tốt hoạt động cách ly tập trung và giám sát chặt chẽ, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam, chuyên gia, lao động từ nước ngoài về nước. Đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là khẩu trang y tế, Phó chủ tịch UBND TP.HCM giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương theo dõi chặt chẽ, đảm bảo đủ nguồn hàng.
“Tất cả người dân phải bình tĩnh, đề cao cảnh giác, không lơ là công tác phòng chống dịch. Chúng ta không được để xảy ra làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2”, ông Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Mở lại các bệnh viện dã chiến
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sở đã chỉ đạo tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn cần tăng cường sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt, bố trí khám ở khu vực riêng. Các bệnh nhân tới khám phải được phân luồng để đảm bảo không xảy ra lây nhiễm tại nơi khám, chữa bệnh.
Tất cả bệnh viện trên địa bàn phải củng cố, khôi phục các yêu cầu về phòng khám sàng lọc, khu cách ly riêng biệt để tiếp nhận bệnh nhân thuộc nhóm nghi ngờ hay xác định nhiễm virus SARS-CoV-2. Các nhà thuốc bán lẻ cần ghi lại thông tin khách hàng có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt.
Các bệnh nhân mắc Covid-19 đã xuất viện tại Bệnh viện Dã chiến Củ chi. Ảnh: Y Kiện. |
Ngoài ra, hệ thống Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cũng đồng loạt được kích hoạt trở lại. Những nơi này đang chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị để tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19.
"TP.HCM sắp tới sẽ đón các công dân Việt Nam ở nước ngoài về với số lượng lớn. Sở Y tế đã kích hoạt lại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện Dã chiến Cần Giờ để chia lửa cùng các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung thời gian tới", lãnh đạo ngành y tế TP.HCM thông tin.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, toàn địa bàn có 5.930 người đến từ Đà Nẵng trong tháng 7 đã khai báo y tế. Trong đó, 1.770 người đã được lấy mẫu xét nghiệm, 177 mẫu có kết quả âm tính, các mẫu còn lại đang đợi kết quả.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay năng lực ngành y của TP.HCM hiện đạt 2.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày. Trong một tuần tới, TP.HCM sẽ hoàn tất việc xét nghiệm, lấy kết quả những người khai báo đến từ Đà Nẵng trong tháng 7 và đưa ra biện pháp phù hợp.
Thời gian tới, TP.HCM mở rộng xét nghiệm đối với người bệnh và nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly kịp thời.
Ngày 29/7, ông Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ký văn bản khẩn đề nghị Bệnh viện Quốc tế City tạm ngưng khám và tiếp nhận điều trị bệnh nhân nội trú mới. Dự kiến, bệnh viện tạm ngưng trong vòng 3 ngày (29-31/7).
Thời gian này, bệnh viện sẽ rà soát, đánh giá toàn bộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Những bệnh nhân đang điều trị tại đây có dấu hiệu bất thường cần được theo dõi, xét nghiệm tầm soát. Tùy theo tình hình thực tế, Sở Y tế sẽ có văn bản chỉ đạo tiếp theo về vấn đề này.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM nhận được báo cáo nhanh của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM về kết quả xét nghiệm của hai trường hợp nghi mắc Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Quốc tế City.