Trong chia sẻ mới đây, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sẽ phát triển 30.500 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 và 50.000 căn hộ trong năm 2026-2030.
Bên cạnh đó, trong phân khúc nhà lưu trú công nhân, thành phố sẽ có thêm 4.500 phòng đến năm 2025 và 8.000 phòng trong 5 năm sau đó.
19.100 căn hộ nhưng vẫn không đủ
Từ khi có Luật Nhà ở năm 2005 đến nay, TP.HCM đã hoàn thành 32 dự án nhà ở xã hội với quy mô 19.100 căn hộ. Trong đó, các năm 2016-2020 là giai đoạn nhà ở xã hội phát triển mạnh mẽ nhất.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đang có 9 dự án đang triển khai với tổng diện tích 17,54 ha, quy mô 6.231 căn hộ. Trong đó, có 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 và 4 dự án động thổ, khởi công trong năm nay. Các dự án nhà ở xã hội trên nằm ở quận 6, 7, 10, Tân Bình, TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh.
Dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trung Đông do Hoàng Quân làm chủ đầu tư. Ảnh: HQC. |
Theo đại diện Sở Xây dựng, dù kết quả phát triển nhà ở xã hội giai đoạn sau luôn tăng so với giai đoạn trước, số lượng hoàn thành chưa thể đáp ứng hết nhu cầu lớn về nhà ở của nhóm đối tượng người có thu nhập thấp và cán bộ công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở trên địa bàn TP.HCM.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hơn 21.400 người thu nhập thấp sẽ cần có nhà ở xã hội tại thời điểm tháng 12/2025. Con số này đã trừ ra khoảng 30.500 đối tượng có khả năng đã được giải quyết nhà ở từ giai đoạn 2021-2025.
Với đối tượng công nhân, trừ 18.000 căn nhà dự kiến cung cấp trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nhà ở được dự báo sẽ còn khoảng hơn 256.000 căn nữa vào cuối năm 2025.
Hiện tại, các đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội chưa được giải quyết đang ở chung với người thân, gia đình hoặc thuê nhà trọ do người dân xây dựng.
Nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết
Theo Sở Xây dựng, việc thực hiện các dự án nhà ở xã hội thời gian còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về thủ tục đầu tư.
Ngoài thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội còn phải thực hiện thêm các thủ tục về thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận...
Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội chưa có quy định hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bố các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.
Thị trường nhà ở xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan chính sách giao đất, thanh, quyết toán vốn cho chủ đầu tư. Ảnh: T.L. |
Mặt khác, pháp luật cũng chưa có quy định về xác định cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư, đồng thời chưa có hướng dẫn về việc thanh toán cho chủ đầu tư khi bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để Nhà nước thực hiện dự án.
Ngoài ra, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội vẫn còn rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.
Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10 ha, tuy đã xác định quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội, nhưng chủ đầu tư dự án chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên chưa triển khai xây dựng nhà ở xã hội.
Các chuyên gia bất động sản nhìn nhận để phân khúc này được phát triển như kỳ vọng, cần phải có nhiều giải pháp linh hoạt và được triển khai một cách đồng bộ hơn.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất Bộ Xây dựng hướng dẫn cách xác định chi phí đầu tư hạ tầng và bồi thường giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư bàn giao lại quỹ đất thực hiện nhà ở xã hội bằng 20% diện tích dự án nhà ở thương mại.
Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị hướng dẫn cách xác định chi phí, cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt chi phí và cách thanh toán cho chủ đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu từ năm 2021 đến 2025 trên địa bàn cả nước sẽ hoàn thành 700.000 căn nhà ở xã hội, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu. Giai đoạn 2025-2030 sẽ hoàn thành 1,1 triệu căn nhà ở xã hội, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu nhà ở của công nhân, người thu nhập thấp sống ở các đô thị.
Trong đó, đề án đặt mục tiêu từ nay tới năm 2030 Hà Nội sẽ xây thêm 136.000 căn hộ, TP.HCM xây 130.000 căn hộ, Hải Phòng xây 45.355 căn hộ, Đà Nẵng xây 19.60 căn hộ, Cần Thơ xây 12.715 căn hộ.