Tại Hội thảo Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sáng 17/7, nhiều chuyên gia khẳng định TP.HCM đủ điều kiện để hiện thực hóa tầm nhìn này nhưng cần phải hành động quyết liệt.
TS Vũ Thành Tự Anh từ Đại học Fulbright, đơn vị trực tiếp soạn thảo đề án xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nhấn mạnh nội hàm của một trung tâm tài chính cả một không gian đô thị, hệ sinh thái tài chính chứ không chỉ là các tòa nhà.
"Một trung tâm tài chính quốc tế phải phải hỗ trợ, thực hiện giao dịch tài chính xuyên biên giới, phải đạt chuẩn mực quốc tế và hội đủ 3 yếu tố: cung, cầu và sản phẩm. Cụ thể, đó là nơi có những công ty tài chính hàng đầu, nơi các doanh nghiệp có nhu cầu dịch vụ tài chính tìm tới và có các sản phẩm tài chính đa dạng", TS Tự Anh giải thích.
Cần tìm con đường mới
Theo ông, hình hài của trung tâm tài chính TP.HCM hiện chưa được định ra rõ nét vì vẫn đang nghiên cứu nhưng thành phố chắc chắn cần tìm ra con đường, xu thế mới như đột phá về ứng dụng công nghệ để đi đầu trong một số lĩnh vực nhất định.
"Đột phá là tiến vào công nghệ tài chính, kết hợp giữa công nghệ và tài chính. Đây là xu thế và tương lai của ngành tài chính. Với năng lực sẵn có về con người, chất xám của Việt Nam, chúng ta đủ cơ sở tiến vào lĩnh vực này. Điều chúng ta cần là chính sách hỗ trợ, thủ tục pháp lý, quy định điều tiết để vươn tới chuẩn mực kinh tế quốc tế", TS Tự Anh cho biết.
Tại hội thảo, GS.TS Sử Đình Thành thuộc Đại học Kinh tế TP.HCM phân tích thành phố có nhiều lợi thế để phát triển thành một trung tâm tài chính quốc tế như là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có tiềm lực kinh tế vượt trội trong cả nước với đóng góp 1/4 tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách quốc gia.
TS Vũ Thành Tự Anh cho biết vào năm tới, hình hài của trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM sẽ rõ nét. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Bên cạnh đó, TP.HCM có cảng biển quốc tế nối liền trực tiếp với các nước trong khu vực, được bao bọc trong vùng giàu tiềm năng kinh tế và năng động nhất cả nước, có mạng lưới ngân hàng thương mại cổ phần năng động, hoạt động rộng khắp cả nước.
"Tuy nhiên, khoảng cách để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế với TP.HCM còn khá xa", GS Thành đánh giá.
Một số điểm yếu của TP.HCM theo ông là cơ cấu, năng lực kinh doanh của các định chế tài chính còn yếu kém so với chuẩn khu vực và quốc tế; thị trường tài chính còn yếu cả về quy mô và chất lượng; quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền thành phố trong quản lý lĩnh vực tài chính ngân hàng còn nhiều giới hạn; hạ tầng giao thông còn yếu kém; các chính sách tài chính và thuế chưa hỗ trợ giao dịch xuyên biên giới.
Ngoài ra, ông Thành cho rằng TP.HCM còn phải đối diện thách thức từ sự phát triển nhanh chóng của các trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực như Singapore, Kuala Lumpur hay sự trỗi dậy của trung tâm tài chính Bangkok.
Trong khi đó, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam, bổ sung việc tiến tới xã hội thanh toán điện tử là một trong những hạt nhân hình thành trung tâm tài chính.
Trong tham luận của mình, bà Dung đề xuất một số giải pháp từ phía Nhà nước để thúc đẩy thanh toán kỹ thuật số như t
TP.HCM đi sau nhưng có thể thành công với trí tuệ Việt
Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM quyết tâm hoàn thành một đề án chất lượng về việc xây dựng thành phố thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vì cơ hội lần hai sẽ không đến.
Trả lời băn khoăn của một số đại biểu về việc ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính tại TP.HCM đã có từ 20 năm trước nhưng hiện vẫn chưa thành hình, Bí thư Nhân cho rằng có 2 nguyên nhân. Thứ nhất, TP.HCM chưa quyết tâm đúng mức, đeo bám quyết liệt với Trung ương. Thêm vào đó, Trung ương cũng chưa thật sự quan tâm đầy đủ với TP.HCM.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu sáng 17/7. Ảnh: Việt Đức. |
Bí thư Nhân cũng nhấn mạnh việc xây dựng được một trung tâm tài chính không chỉ vì TP.HCM mà gắn liền với lợi ích cả nước. Ông đề nghị đến tháng 10, UBND TP.HCM cần có đề án chi tiết, trả lời tính khả thi, có giải pháp phần mềm để báo cáo HĐND TP, Thành ủy và Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 6/2020, cần có đủ tham số để đấu thầu xây dựng cơ sở vật chất của trung tâm tài chính.
"Chúng ta đi sau nhưng với trí tuệ của người Việt Nam, có thể tận dụng được cơ hội", Bí thư Nhân khẳng định. Ông dẫn chứng sau gần 10 năm thực hiện quyết liệt đề án chương trình phát triển toán học Việt Nam, vị thứ của ngành toán học đất nước đã tăng lên bậc 35 so với 70 vào năm 2010.
Ông cũng nêu 6 kiến nghị để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM gồm tăng cường cải cách hành chính, hoàn thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện hạ tầng giao thông đến 2025; tăng tốc dự án chương trình chống ngập; hiện đại hóa quy hoạch đô thị; tăng cường các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt quan tâm đến khởi nghiệp công nghệ sáng tạo về tài chính.
Cuối cùng, Bí thư Nhân liệt kê 4 lĩnh vực TP.HCM cần tiến tới đạt chuẩn quốc tế là giáo dục đào tạo, y tế, môi trường kinh doanh, xây dựng mạng viễn thông 5G.