ĐB Võ Văn Sen cho biết với tình hình tái ngập và phát sinh điểm ngập mới như hiện nay thì có thể nói chương trình chống ngập không đạt hiệu quả. Theo ông, năm 2013, TP xử lý cơ bản được 3 điểm, xóa được 4, xử lý được 2 điểm ngập do triều cường; nhưng lại phát sinh 21 điểm ngập mới. Như vậy số điểm ngập phát sinh nhiều hơn số điểm giảm.
"Chương trình chống tái ngập của chúng ta không phải là dự án có hiệu quả bền vững như các anh đã nhận định. Nguyên nhân do đâu? Khi nào mới xong dự án đê bao?", ông Sen hỏi.
ĐB Võ Văn Sen chất vấn Phó giám đốc Trung tâm chống ngập TP.HCM. |
Trả lời vấn đề này, ông Công cho rằng hiện nay triều cường diễn biến rất phức tạp nên gây khó khăn trong công tác chống ngập úng. "Cho dù chúng ta ở nơi có địa hình cao nhưng nếu không có cống thoát nước tốt thì vẫn ngập", ông Công nói.
Theo ông Công, từ năm 2001 đến nay, TP đã đưa 4 dự án ODA vào thực hiện, giải quyết được 126 điểm ngập. Năm 2013 chỉ còn 17/58 điểm ngập do mưa và 2/26 điểm ngập do triều cường. "Phát sinh điểm ngập mới là do các đơn vị thi công công trình công cộng dẫn dòng không hợp lý", ông Công nói.
ĐB Võ Văn Sen phát biểu: "Đối phó với ngập lụt là vấn đề chiến lược chứ không phải đơn giản. Ở TP.HCM có ngập do mưa, ngập do triều cường, 2 điều này là nguyên nhân thường xuyên. Đây là vấn đề bàn suốt cả chục năm qua nhưng chưa tháo gỡ được. Tôi thấy TP chưa tìm được giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này".
Ông Lê Ngọc Công - Phó giám đốc Trung tâm chống ngập - trả lời chất vấn. |
Cũng trong sáng nay, các đại biểu HĐND cũng đã chất vấn ông Tất Thành Cang - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM - về vấn đề chi gần 1.400 tỷ đồng để trợ giá cho các phương tiện giao thông công cộng, nhưng hiệu quả chỉ đạt 11%.
ĐB Phạm Hiếu Nghĩa đặt vấn đề: "Tại sao trợ giá xe buýt lại tăng lên hàng năm? Sở GTVT có biện pháp nào để giảm trợ giá mà vẫn đạt được mục tiêu vận chuyển hành khách công cộng?"
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang cho biết trợ giá xe buýt được đặt ra trên cơ sở thu hút người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. “Nếu giá cao thì người dân không đi. Giá nguyên liệu tăng, nhân công lao động tăng nhưng giá vé xe giữ nguyên nên TP phải trợ giá", ông Cang nói.
Còn vấn đề có lãng phí hay không, ông Cang cho rằng trong 10 năm tái lập và phát triển xe buýt, lượng hành khách tăng nhanh. Năm 2012 chỉ có 32 triệu lượt, nhưng năm 2013 tăng lên gần 400 triệu. “Nếu xét hiệu quả, hàng triệu người đó không đi xe buýt thì có thêm khoảng 500.000 xe gắn máy lưu thông mỗi ngày, gây ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng”, ông Cang nói.
Thế nhưng ông Giám đốc Sở GTVT cũng thừa nhận có lãng phí từ nguồn trợ giá xe buýt. “Vì tổ chức luồng tuyến chưa hợp lý, một số tuyến còn vắng khách, trùng tuyến còn nhiều nên cùng một lúc trên một đường có nhiều xe buýt chạy qua…”, ông Cang thừa nhận.
"Hiện nay mới chỉ có khoảng 11% lượng hành khách tham gia phương tiện công cộng. TP đang cố gắng xây dựng chiến lược để đạt 20% lượng hành khách đi xe buýt năm 2020 và 30 - 40% năm 2030.
“Chỉ khi nào vận tải công cộng đạt trên 40% lượng hành khách đi lại thì mới xem xét chính sách khác thay thế trợ giá. Vì thế trước mắt phải trợ giá đến 2020”, ông Cang khẳng định.