TP.HCM hiện có 40/237 chợ đang hoạt động. Từ đầu tháng 7 đến nay, lãnh đạo thành phố liên tục có công văn yêu cầu Sở Công Thương và các quận, huyện khẩn trương có phương án, đăng ký thời hạn, tiến độ tổ chức cho chợ hoạt động lại.
Nhưng đến nay, mới chỉ có 18 chợ tại TP.HCM được mở lại. Ba chợ đầu mối đều đã lên kế hoạch mở lại điểm tập kết hàng hóa từ lâu, nhưng hiện chỉ có điểm ở chợ đầu mối Thủ Đức được hoạt động với vài thương nhân giao dịch, bán trái cây khoảng 4-5 tấn/ngày.
Hiện, 197 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối vẫn còn bỏ ngỏ thời gian hoạt động trở lại trong sự sốt ruột của người dân và UBND TP.HCM.
Nói với Zing, bà Sử Thị Kim Thoa - Trưởng ban quản lý chợ Phùng Hưng (quận 5) - cho biết đến hiện tại khu vực chợ vẫn đang phong tỏa. Do đó, ban quản lý chợ chưa thể có kế hoạch mở cửa lại.
"Hiện các tiểu thương tại chợ vẫn duy trì bán online nhưng với số lượng hạn chế hơn so với trước bởi nguồn thực phẩm khó nhập, việc giao hàng cũng khó khăn. Đa số chỉ mua, bán trong phạm vi khu vực quận", bà Thoa cho biết.
Hiện TP.HCM vẫn còn tới 3/3 chợ đầu mối, 194/234 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động. |
Vẫn e dè khi dịch bệnh còn phức tạp
Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) vẫn duy trì hoạt động khu bán trái cây, đồ khô. Theo bà Huỳnh Ngọc Thanh - Phó trưởng ban quản lý chợ - mỗi ngày chợ có khoảng 100 lượt khách. Họ được đo thân nhiệt, khai báo y tế, cung cấp thông tin cá nhân và thời gian đến chợ.
Theo bà Thanh, việc mở lại khu bán rau củ, thịt cá ở thời điểm này là điều rất khó khi xung quanh chợ đều có ca nhiễm phức tạp.
"Mong mở lại nhiều khu rau, thịt cá lắm chứ, người dân nghèo có chỗ mua sắm, người bán có nơi kiếm thu nhập, nhưng điều đó rất khó. Nhất là khu 5 bán rau củ, nếu mở lại sẽ không thể quản lý nổi", bà Thanh giãi bày.
Các quận, huyện khác cũng thận trọng trong việc triển khai phương án này. Đặc biệt ở những chợ nằm trong khu vực dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiểu thương lẫn nhân viên ban quản lý chợ còn ở trong khu vực phong tỏa, cách ly nên chưa đảm bảo an toàn để mở lại.
Thời điểm này, các chợ vẫn còn ca nhiễm xung quanh, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nên chưa thể mở cửa trở lại.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng kinh tế quận Phú Nhuận.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng kinh tế quận Phú Nhuận - cho biết hiện tại trên địa bàn quận chỉ có một chợ được hoạt động trở lại từ ngày 9/8.
Sau khi xử lý đảm bảo an toàn phòng dịch, quận đã cho mở lại chợ Nguyễn Đình Chiểu với 16 tiểu thương kinh doanh. "Tuy nhiên, số lượng sạp hàng khá khiêm tốn nên người đến mua cũng rất ít", ông cho biết.
Về kế hoạch mở lại các chợ khác trên địa bàn, ông Bình cho biết tạm thời trong tuần tới, quận Phú Nhuận chưa có phương án mở thêm. "Bởi thời điểm này, các chợ vẫn còn ca nhiễm xung quanh, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nên chưa thể mở cửa trở lại", ông nói với Zing.
Trong khi đó, một số quận, huyện đã linh hoạt triển khai điểm bán nhỏ, chợ dã chiến thay các chợ truyền thống. Riêng huyện Củ Chi đã đưa vào hoạt động 3 chợ dã chiến tại các xã Phước Vĩnh An, Hòa Phú và Bình Mỹ.
Chợ dã chiến này tận dụng các khoảng đất trống rộng ngoài trời như sân bóng để tạo độ thông thoáng thay vì không gian chật bên trong lồng chợ truyền thống.
Chợ dã chiến được lập trên sân bóng ở huyện Củ Chi. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), việc mở cửa và sắp xếp một số điểm bán thực phẩm thiết yếu như rau, củ quả là hợp lý bởi đây là khu vực thông thoáng, không phải không gian kín máy lạnh như siêu thị.
Ông cho rằng thời điểm này, thành phố cần phát huy năng lực của chợ truyền thống để giảm tải cho các siêu thị, tuy nhiên phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch. "Đảm bảo đúng giãn cách, chia ô, vạch và vị trí giữa các tiểu thương. Kiểm tra thường xuyên, nếu không chấp hành cho nghỉ ngay lập tức", ông nói.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, các chợ vẫn cần áp dụng phiếu mua hàng, giới hạn số lượng và thời gian ra vào để tránh lây nhiễm.
Mở lại chợ có khó?
Chợ Bình Thới (quận 11) và chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) đã trải qua 2 lần phải đóng cửa. Tuy nhiên, ban quản lý các chợ này vẫn nỗ lực mở lại chợ theo nhiều phương thức bán hàng khác nhau.
Ngày 4/8, chợ Nguyễn Tri Phương tiếp tục mở lại chủ yếu kinh doanh lương thực, thực phẩm. Đây là một trong số ít chợ truyền thống bền bỉ và linh hoạt lên phương án phòng dịch, mở lại chợ ngay khi đảm bảo an toàn.
Trao đổi với Zing, ông Phan Thanh Hà - Trưởng ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương - cho biết sau 10 ngày mở lại, hoạt động mua bán có sụt giảm so với trước nhưng tiểu thương vẫn cố gắng đảm bảo duy trì để cung cấp hàng hóa cho người dân.
"Hiện tại có khoảng 30 tiểu thương tham gia kinh doanh, chợ cũng chủ động trang bị máy đo thân nhiệt, phun khử khuẩn để chủ động đảm bảo an toàn cho người bán lẫn người mua", ông nói.
Trưởng ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương cho rằng hiện nay việc mở lại chợ lúc này đồng nghĩa với việc đối mặt với nhiều áp lực rủi ro. Nhưng TP và Sở Công Thương đã có hướng dẫn cụ thể để mở lại chợ, điều quan trọng là ban quản lý chợ dám chịu trách nhiệm, và có sự ủng hộ của chính quyền địa phương.
Ai cũng lo lắng nhưng chúng tôi phải đặt trách nhiệm của người đứng đầu chợ để đảm bảo an toàn. Có như vậy tiểu thương mới an tâm kinh doanh, phục vụ người dân.
Ông Phan Thanh Hà, Trưởng ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương.
"Ai cũng lo lắng nhưng chúng tôi phải đặt trách nhiệm của người đứng đầu chợ lên trên hết để đảm bảo an toàn. Có như vậy tiểu thương mới an tâm kinh doanh, phục vụ người dân", ông bày tỏ.
Theo ông Hà, lúc này các tiểu thương buôn bán tại chợ không còn nghĩ đến chuyện lời lãi bởi hoạt động mua bán giảm sút, rút ngắn còn 2-3 giờ/ngày. "Tất cả đều vì mục đích chính trị, cố gắng để người dân có thêm điểm mua sắm, giảm áp lực cung ứng hàng hóa trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh", ông nhấn mạnh.
Tương tự, vừa mở cửa trở lại từ 1/8, chợ Bình Thới đã thay đổi cách thức bán hàng khác hẳn. Chợ mở ngoài trời, các sạp hàng được chuyển hẳn ra phần sân bên ngoài thay vì chỉ bán trong nhà lồng như trước.
Mỗi ngày, ban quản lý chợ bố trí cho 15-20 tiểu thương kinh doanh thực phẩm thiết yếu như cá, thịt, rau, củ, trái cây. Mỗi lượt, ban quản lý yêu cầu tối đa 30 người được vào chợ đi theo một chiều.
Ông Nguyễn Bá Tùng - Trưởng ban quản lý chợ - cho biết hiện chợ chỉ hoạt động từ 7-9h, trung bình mỗi ngày phục vụ khoảng 500 lượt khách. "Toàn bộ thương nhân bán định kỳ 5 ngày đều được xét nghiệm Covid-19 một lần. Đồng thời chúng tôi yêu cầu thương nhân phải đóng gói toàn bộ hàng hóa theo combo sẵn để hạn chế thời gian lưu lại khu vực mua sắm", ông nói.
Chợ Nguyễn Tri Phương là một trong số ít chợ truyền thống bền bỉ và linh hoạt lên phương án phòng dịch, mở lại chợ khi đảm bảo an toàn. Ảnh: Phương Lâm. |
Ngoài ra, sau mỗi ngày buôn bán, ông Tùng cho biết toàn bộ sân sẽ được khử khuẩn toàn bộ. Ngoài ra, chợ còn lập 5 đội bán hàng lưu động với khoảng 5 tiểu thương.
Trước đó, ngày 24/7, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - có văn bản hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ và các quận, huyện cách thức tổ chức chợ truyền thống.
Sở vẽ sơ đồ tham khảo để bố trí khoảng 12 gian hàng kinh doanh, điểm bán lẻ phù hợp tình hình hiện tại. Song song đó, Sở cũng hướng dẫn các địa phương áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân, phát phiếu, đi chợ theo ngày chẵn - lẻ.
Ông Phương cho biết bên cạnh việc tích cực làm việc với quận huyện để tăng số lượng chợ mở cửa lại, xây dựng mô hình chợ "dã chiến", Sở sẽ huy động các hệ thống khác tham gia cung cấp thực phẩm lưu động cho người dân. "Các địa phương tổ chức đi chợ thay giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài", ông nói.