"Cần thẳng thắn nhìn nhận quy hoạch hiện nay là điểm yếu, điểm nghẽn không chỉ của TP.HCM mà cả quốc gia và các địa phương"- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá khi phát biểu tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật công tác quy hoạch diễn ra chiều 27/12.
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc quy hoạch còn thiếu đồng bộ, không có tầm nhìn chiến lược, công tác triển khai quy hoạch cứng còn nhiều khuyết điểm.
Nhiều nguồn lực chưa được tận dụng
Cùng quan điểm với Chủ tịch nước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá thể chế và quy hoạch là hai việc mà một quốc gia, địa phương làm tốt thì sẽ đi lên bền vững. Tuy nhiên, quy hoạch là một trong những công tác TP.HCM còn yếu kém và khiến sự phát triển không tối ưu như mong muốn.
Về thể chế, Trung ương và địa phương cần xác định điểm cân bằng để hài hòa quyền hạn. "Vừa qua, nhiều nơi than phiền sự chậm chạp của Trung ương, không sát tình hình địa phương. Ngược lại, một số địa phương không quan tâm lợi ích chiến lược quốc gia trong quy hoạch", ông Nghĩa phản ánh.
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Góp ý và đặt câu hỏi về công tác quy hoạch, ông cho rằng TP.HCM cần tận dụng những tài nguyên lớn như khu dự trữ sinh quyển và mảng xanh; tài nguyên biển; nhà đất của doanh nghiệp, cơ quan Trung ương trên địa bàn.
Không gian ngầm cũng là một tài nguyên lớn bởi nhiều quốc gia đã có công trình sâu hàng chục mét dưới lòng đất. Trước tình hình hiện nay, quy định về không gian ngầm không đủ và cần có khung pháp luật mạnh mẽ hơn. Ông lấy ví dụ một căn nhà ngoài chiều ngang, chiều dài, thì được sở hữu bao nhiêu m về chiều sâu.
"Đây chính là nguồn lực để TP.HCM phát triển. Nếu không làm chặt chẽ thì sẽ mất tài nguyên và bị tư nhân hóa", ông cảnh báo.
Một tài nguyên khác là quy hoạch treo. Các dự án như Bình Quới - Thanh Đa, Safari (Củ Chi) đã "treo" nhiều năm khiến người dân và địa phương đều bức xúc, mong muốn bỏ quy hoạch này.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Hằng. |
Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nhận định công tác lập quy hoạch tại thành phố theo quy định của luật còn chậm so với các địa phương khác. Để hoàn thiện chính sách, pháp luật, UBND TP.HCM đưa ra nhiều kiến nghị.
Cụ thể, thành phố mong Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị; quy chuẩn quy hoạch mới và có quy định đặc thù (ngoại lệ) cho TP.HCM.
Ngoài ra, theo Luật Đất đai, người sử dụng đất nằm trong quy hoạch là “đất ở nông thôn” hoặc “đất ở đô thị” thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác (đất nông nghiệp, phi nông nghiệp) sang đất ở. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, việc giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở với trường hợp này gặp nhiều khó khăn.
Do đó, UBND TP.HCM đề nghị có quy định tích hợp quy hoạch đô thị, xây dựng, nông thôn và sử dụng đất để đồng bộ, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm, tạo thuận lợi cho người có nhu cầu được chuyển mục đích sử dụng đất.
Đại diện UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cấu trúc dữ liệu chuẩn cần tích hợp trong hệ thống thông tin địa lý (GIS) ở các cấp độ quy hoạch. Mục đích là để sau khi quy hoạch được lập và quyết định/phê duyệt thì có thể tích hợp thành dữ liệu chung (big data) ở cấp quốc gia, cấp vùng, nhằm cung cấp thông tin đồng bộ.
TP.HCM đang tụt lại
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận bên cạnh nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển về nhiều mặt, TP.HCM đang tụt lại so với các đô thị lớn về phát triển kinh tế, năng lực cạnh tranh. "Tinh thần tiên phong của thành phố so với cả nước đang trên đà suy giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có hạn chế ở công tác quy hoạch", Chủ tịch nước đánh giá.
Công tác quy hoạch tại TP.HCM không chỉ định hướng cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, mà còn là công cụ quan trọng của quản lý Nhà nước, đảm bảo sự thống nhất, hài hòa, tạo nên động lực tăng trưởng mới. Do đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM tính đến yếu tố liên kết vùng với tư cách là trung tâm của vùng và cả nước. Quy hoạch phải đi trước một bước, thể hiện tầm nhìn, chiến lược, huy động nguồn lực Nhà nước và tư nhân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Quốc hội TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM có chiến lược rõ ràng cho mỗi mục tiêu. Ông nhắc nhở qua đợt dịch Covid-19, thành phố cần rút ra bài học từ quy hoạch đô thị dân cư, khu công nghiệp và điều chỉnh để đối phó với vấn đề tương tự trong tương lai....
Nhắc lại mục tiêu xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP.HCM, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải tính toán thu hút nguồn lực chứ không phải chỉ dừng lại ở phát triển dịch vụ.
Ngoài ra, TP.HCM cần kiên quyết thu hồi quy hoạch treo, dự án treo quá thời hạn mà không triển khai. "Có dự án để 18-20 năm chưa triển khai, người dân kêu quá trời đất. Ta là đại biểu Quốc hội, phải bảo vệ người dân", ông nhấn mạnh.
Sắp tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm việc với TP.HCM, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn để chuẩn bị xúc tiến đầu tư cho khu vực này. "Nếu Hóc Môn, Củ Chi có đường cao tốc, đường thủy, đường sắt trên cao, nếu ta có tầm nhìn quy hoạch phát triển các khu vực này thì đất Củ Chi, Hóc Môn cũng không kém quận 1, quận 2", ông Nguyễn nhận định.
TP.HCM đang lập đồng thời 4 quy hoạch:
- Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
- Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.
- Quy hoạch tổng thể hệ thống Thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
- Quy hoạch Cấp nước TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.