Nguy cơ dịch bệnh từ các tỉnh khác, đặc biệt là Gia Lai, là vấn đề được TP.HCM quan tâm thảo luận tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, chiều 2/2.
Theo thông tin từ Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, sáng cùng ngày, Gia Lai đã phát hiện thêm 6 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh này lên 12 trường hợp.
Nguy cơ lớn từ Gia Lai
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết TP đã dừng toàn bộ các tuyến liên tỉnh cố định giữa TP.HCM với Hải Dương, Quảng Ninh và các huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa (Gia Lai).
Riêng với tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải bày tỏ lo ngại về 6 ca mắc Covid-19 mới phát hiện. Theo ông Lâm, hiện mỗi ngày bến xe Miền Đông đón khoảng 40-50 chuyến xe giữa TP.HCM và Gia Lai. Tuy nhiên, TP mới chỉ dừng các tuyến với hai huyện kể trên.
"6 trường hợp mới không biết có rơi vào 2 nơi này không để TP có ứng xử phù hợp với Gia Lai", ông Lâm cho hay.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết hết ngày 3/2, TP sẽ ngưng các hoạt động sát hạch, đào tạo lái xe để phòng, chống dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm báo cáo tại buổi họp. Ảnh: HMC. |
Nói về nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết qua rà soát khách du lịch/khách lưu trú đi và đến từ các vùng dịch, tính đến 2/2, TP ghi nhận 193 khách du lịch ở TP.HCM từng qua các vùng có dịch. Đồng thời, TP phát hiện 16 khách lưu trú tại TP từng đi qua vùng dịch.
Thông tin thêm về việc chuẩn bị các cơ sở lưu trú làm điểm cách ly có trả phí, Sở Du lịch cho biết đã phối hợp với Sở Y tế và thẩm định thêm 3 khách sạn từ ngày 30/1 đến nay. Hiện, TP có 32 khách sạn cách ly trả phí với công suất 2.500 phòng.
Tuy nhiên, bà Hoa nhận định trước tình hình hiện tại, các cơ sở này vẫn có khả năng hết công suất. Do đó, Sở Du lịch đang vận động và hiện đã có thêm 29 khách sạn dự phòng, sẵn sàng thẩm định để trở thành điểm cách ly có trả phí.
Không nên ngăn sông cấm chợ
Trao đổi về vấn đề phòng chống dịch tại TP.HCM, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang nhận định nếu TP.HCM bùng dịch thì hậu quả sẽ rất lớn. Do đó, tinh thần là phải quyết liệt hơn các địa phương khác.
Ông Quang đề xuất TP nên chia việc chống dịch thành 2 giai đoạn - trước Tết và sau Tết - vì tính chất khác nhau. Cụ thể, trước Tết, người dân chủ yếu sẽ rời TP.HCM về quê. Còn sau Tết, người dân sẽ đổ dồn trở về TP nên nguy cơ lúc này cao hơn nhiều. Trước tình hình đó, Phó bí thư đề nghị chia thành hai giai đoạn để có các biện pháp sát thực tế.
Đối với các xe khách liên tỉnh từ Gia Lai về TP.HCM, ông Quang nhận định không nên "ngăn sông cấm chợ".
"Nếu cấm, họ lại đi vòng qua Đắk Lắk, Kon Tum xuống thì tình hình còn nặng hơn. Lúc đó, ta chủ quan là không có xe từ Gia Lai xuống nhưng họ có thể sẽ đi đường vòng. Theo tôi là không cấm nhưng cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ xe từ Gia Lai xuống", Phó bí thư đề nghị.
Toàn cảnh buổi họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM ngày 2/2. Ảnh: HMC. |
Bên cạnh nguy cơ từ các vùng có dịch, mối lo ngại từ các nhóm công nhân, sinh viên cũng được các lãnh đạo thành phố đặt ra tại buổi họp.
Đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết năm nay, khoảng 75% trong số 276.000 người lao động trong khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ không về quê đón Tết.
Tuy nhiên, những trường hợp về quê đón Tết đang lo ngại nguy cơ phải cách ly khi trở lại TP. Các công ty cũng băn khoăn về cách thức kiểm soát nhóm đối tượng này sau Tết. Đơn vị này kiến nghị UBND TP chỉ đạo xây dựng mẫu kê khai về nhật ký di chuyển để người lao động liệt kê, từ đó, TP có thể chủ động truy vết trong trường hợp cần thiết.
Ủng hộ đề xuất trên, Phó chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng sinh viên và công nhân đa phần là nhóm trẻ, tiếp cận công nghệ tốt. Do đó, ông kiến nghị mở kênh khai báo trực tuyến và yêu cầu người dân cập nhật lộ trình di chuyển. Ngành giáo dục TP cũng đã thực hiện cách làm này trong kỳ thi cuối cấp và cho thấy kết quả tốt.
Từ khi ghi nhận bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở Hải Dương hôm 28/1, Covid-19 đã lan sang 10 tỉnh thành. Trong 6 ngày, Bộ Y tế đã ghi nhận 271 ca nhiễm cộng đồng tại các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Gia Lai, Bắc Ninh, Bình Dương, Hòa Bình, Hải Phòng, TP.HCM, Bắc Giang.