Tại họp báo cung cấp thông tin về vaccine tại TP.HCM chiều 28/7, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine nên đã kiến nghị Bộ Y tế để đơn giản hóa quy trình cũng như đội hình tiêm vaccine. Mục tiêu là có nhiều hơn đội hình tiêm cho người dân.
Mỗi phường có 2 điểm tiêm
Thành phố cũng đề nghị Trung ương tăng lượng vaccine cho địa phương này để có cơ hội mở rộng việc tiêm vaccine.
Hiện thành phố quy định người dân hạn chế đi ra đường sau 18h. Tuy nhiên, ông Mãi cho rằng nếu tiêm vaccine từ 6h đến 18h sẽ bị giới hạn. Do đó, thành phố sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vaccine sau 18h trong những ngày sắp tới.
Việc tiêm vaccine chủ yếu diễn ra ở từng phường, mỗi phường 2 điểm và chỉ có người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền mới tiêm ở bệnh viện.
Thành phố sẽ có số lượng và con người cụ thể để có nhận diện cụ thể để người tiêm vaccine được ra đường sau 18h.
TP.HCM ưu tiên tiêm vaccine cho nhóm người trên 65 tuổi. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đường dây nóng quá tải, người dân TP.HCM có thể gọi tới đâu?
Tại buổi họp báo, Zing đặt câu hỏi về việc người dân không gọi được vào đường dây nóng của Trung tâm Cấp cứu 115 và Tổng đài 1022 do quá tải, vậy người dân cần liên hệ đến đâu.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết từ 0h ngày 28/7, Tổng đài 1022 ghi nhận hơn 217.700 cuộc gọi của người dân, sở đã chuyển 12.100 cuộc gọi đến các đơn vị để giải quyết. Trong số 12.100 cuộc thì các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện đã tiếp nhận, xử lý khoảng 70% cuộc gọi của người dân tới TP.
"Tuy có bố trí tổng đài viên trực 24/24h nhưng do số lượng người dân gọi đến một lần là quá lớn nên thực tế, có cuộc gọi người dân gọi đến không được tổng đài viên tiếp nhận", ông Thắng nói.
Để giải quyết, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp nhận nhiều cuộc gọi hơn bằng các giải pháp như tăng tình nguyện viên trực tổng đài, giới thiệu thêm đường dây nóng để người dân gọi.
Ngoài ra, sở dự kiến vài ngày nữa sẽ đưa vào sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo callbot, có thể tiếp nhận 3.600 cuộc gọi/giờ.
Về tổng đài 115, ông Thắng thừa nhận có "tình trạng nghẽn mạng". Mục tiêu của thành phố là Trung tâm 115 phải tiếp nhận tất cả các cuộc gọi của người dân.
Trước đây, Trung tâm 115 chỉ có 6 đường truyền, sau đó đã nâng lên 14 đường truyền và số cuộc gọi mỗi ngày tăng từ 1.200 lên 5.000.
"Thời gian vừa rồi rơi vào đợt cao điểm nên cũng không thể đáp ứng hết các cuộc gọi", ông Thắng nói.
Để giải quyết, Trung tâm 115 đã mở tổng đài dã chiến tại Công ty phần mềm Quang Trung để tăng lên từ 40 đến 100 đường truyền, đồng thời, tăng sinh viên đại học ngành y để tiếp nhận cuộc gọi của người dân.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngoài việc sử dụng xe cấp cứu và xe taxi y tế, TP có 40 trạm cấp cứu vệ tinh rải đều trên 22 quận, huyện, TP Thủ Đức và cấp cứu cho bệnh nhân không nhiễm SARS-CoV-2.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: Thu Hằng. |
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.
Từ 26/7, sau 18h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.
Tính từ 27/4 đến trưa 28/7, TP.HCM ghi nhận 74.855 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.