Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM kiến nghị thí điểm đi chung xe

TP.HCM cho rằng hình thức đi chung xe góp phần cung cấp giải pháp di chuyển tiết kiệm, thông minh và tiện lợi cho người tiêu dùng; đồng thời, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Ngày 5/9, UBND TP.HCM có công văn khẩn gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu ý kiến về đề xuất triển khai dịch vụ đi chung ôtô đối với xe hợp đồng. Trước đó, UBND TP.HCM nhận được công văn của Bộ GTVT, lấy ý kiến đối với đề nghị của Công ty TNHH Grabtaxi về dịch vụ đi chung xe.

Tại văn bản này, UBND TP.HCM khẳng định hình thức đi chung xe góp phần cung cấp giải pháp di chuyển tiết kiệm, thông minh và tiện lợi cho người tiêu dùng; đồng thời, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, hiện nay chưa có chế tài để xử lý đối với các đơn vị thực hiện thí điểm việc cung cấp ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý về kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (nếu vi phạm).

TP HCM kien nghi thi diem di chung xe anh 1
Hình thức đi chung xe của Grab hay Uber nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng nhưng lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều tại các cơ quan quản lý Nhà nước. Ảnh: Grab.

Về cơ sở pháp lý, UBND TP.HCM cho rằng: “Việc triển khai hình thức đi chung xe của Công ty TNHH Grabtaxi là chưa phù hợp với quy định hiện hành”. Theo đó, Khoản 2 Điều 45 Thông tư số 63 ngày 7/11/2014 của Bộ GTVT quy định: “Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng vận chuyển khách”.

Do đó, trường hợp cá nhân, tổ chức “sử dụng từ 02 hợp đồng vận chuyển trở lên cho một chuyến xe vận tải hành khách theo hợp đồng (tương tự hình thức đi chung xe)” thì sẽ bị phạt tiền theo quy định của Nghị định số 46 của Chính phủ.

UBND TP.HCM kiến nghị dịch vụ đi chung xe chỉ áp dụng đối với ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống. Đồng thời, mỗi chuyến xe chỉ thực hiện hai hợp đồng nhằm tránh tình trạng phát sinh “xe dù, bến cóc”. Các xe thực hiện dịch vụ đi chung cần có nhận diện riêng (dán trên phương tiện) để áp dụng cho hình thức đi chung xe này, nhằm có cơ sở kiểm tra, xử lý.

UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ GTVT nên quy định thời gian thực hiện thí điểm khoảng 1 năm, quy định số lượng xe để thuận lợi trong việc quản lý, đánh giá và xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tế.

Tại cuộc họp ngày 28/7, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường nêu quan điểm về vấn đề xe đi chung mà Uber và Grab đang áp dụng. “Đứng trên góc độ giao thông là tốt, hành khách chia sẻ hành trình. Còn ở góc độ pháp lý thì Bộ GTVT chưa cho”, ông Cường nói.

Trước đó, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi không được thực hiện dịch vụ GrabShare đối với xe hợp đồng. Bộ cũng yêu cầu thanh tra giao thông ở địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý. Mức phạt cho lỗi vi phạm khi cố tình cung cấp dịch vụ đi chung là 4-6 triệu đồng. Bị cấm hoạt động nhưng thực tế dịch vụ đi xe chung này vẫn diễn ra bình thường và đang trở nên phổ biến với người tiêu dùng.

Trải nghiệm dịch vụ đi chung xe đang bị tuýt còi của Uber, Grab Dịch vụ đi chung xe xuất hiện tại Hà Nội và TP.HCM đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía nhà quản lý, vì chưa đúng luật.

Bộ Giao thông Vận tải: UberPOOL và GrabShare giống như xe dù trá hình

Bên lề họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 3/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi ngắn với Zing.vn quan điểm về việc cấm hình thức đi chung xe.

Nam Chi

Bạn có thể quan tâm