UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ GTVT tăng thời gian học lý thuyết môn Pháp luật Giao thông đường bộ và Kỹ thuật lái xe. Chương trình đào tạo phải có thêm nhận biết tình huống nguy hiểm và cách thức xử lý, đảm bảo tham gia giao thông an toàn, đúng pháp luật.
Về hình thức giảng dạy, UBND TP.HCM đề nghị đa dạng hóa hình thức (học tập trung, học từ xa, tự học,...) giúp học viên có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, cơ sở đào tạo phải kiểm tra, quản lý chặt chẽ người học, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu.
Bộ GTVT có dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe. Ảnh minh họa. |
Về việc đào tạo, TP.HCM kiến nghị Bộ phân quyền cho Sở GTVT TP.HCM chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe. Thanh tra Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn về mặt nghiệp vụ, thanh kiểm tra với Sở.
Về việc sát hạch, TP.HCM kiến nghị giao Sở GTVT kiểm tra, cấp lại Giấy chứng nhận Trung tâm sát hạch lái xe loại 1, loại 2 đủ điều kiện hoạt động, định kỳ báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Ngoài ra, TP.HCM đề nghị có quy định yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe gắn camera giám sát tại các phòng học pháp luật giao thông đường bộ và kỹ thuật lái xe, lưu trữ hình ảnh phục vụ công tác kiểm tra của cơ quan quản lý khi cần thiết.
Riêng đối với ôtô tập lái, quy định bắt buộc gắn thiết bị giám sát hành trình và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ và các Sở GTVT.
Đầu tháng 9/2018, Phòng quản lý sát hạch cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TP.HCM) chỉ đạo các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch không để học viên mang điện thoại di động, thiết bị thu phát công nghệ cao vào phòng thi lý thuyết và khi lên xe sát hạch.
Không để người không có nhiệm vụ vào phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch, khu vực gần các bài sát hạch lái xe.
Đảm bảo không kết nối mạng; không để tình trạng trao đổi bài, làm hộ bài, làm bài không đúng số báo danh, gọi điện ra bên ngoài…. trong phòng thi lý thuyết.