Trong báo cáo mới nhất về tình hình phòng chống dịch Covid-19, Sở Du lịch TP.HCM cho biết đồng ý với các phương án trong tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP về xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đồng thời, Sở Du lịch TP đề xuất bổ sung thêm đối tượng doanh nghiệp du lịch có quy mô lao động từ 200 người trở lên được tiếp cận gói ưu đãi vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.
Trước đó, cơ quan này cho biết các doanh nghiệp trong ngành khó tiếp cận các gói vay tín chấp do bị xếp vào nhóm ngành rủi ro cao đối với các ngân hàng. Đến ngày 24/8, chỉ 7/50 doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú gặp khó khăn được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Đồng thời, hầu hết người lao động và doanh nghiệp lữ hành (đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ) chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Trong thời điểm dịch bệnh, các khách sạn ở trung tâm quận 1, TP.HCM chỉ lác đác vài phòng sáng đèn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
TP.HCM hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp lữ hành, trong đó 90-95% đã tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, số doanh nghiệp còn cầm cự với trên 200 lao động không nhiều. Lượng doanh nghiệp lưu trú ở quy mô này cao hơn nhưng hầu hết cũng đang gặp khó khăn.
Liên quan đến giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch trên địa bàn, Sở Du lịch TP cho biết đã đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư TP chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP ban hành nghị quyết.
Trong đó, các cơ quan đề xuất miễn phí vé tham quan vào Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Lịch sử TP, Bảo tàng TP và khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Ngoài ra, TP cần có phương án hỗ trợ kinh phí trả lương và công tác hành chính tại 4 điểm tham quan này từ tháng 10 đến hết năm nay.
Đồng thời, các cơ sở lưu trú, ăn uống phục vụ khách du lịch được đề xuất giảm tiền nước.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có văn bản trình Thủ tướng đề xuất các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19.
Trong đó, Bộ đề nghị có chính sách lùi thời gian trả lãi suất đến tháng 12/2021, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về tài khóa và tín dụng như hiện nay. Đồng thời, thuế suất VAT được đề xuất giảm từ 10% xuống 5% trong năm 2020 và 2021, giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú ngang bằng giá điện sản xuất trong năm nay và những năm tiếp theo.