Tại hội nghị lần thứ 34 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X diễn ra ngày 29/11, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong năm 2019, TP.HCM đã đạt vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ khiến TP.HCM đứng trước nhiều thách thức.
Từ năm 2018, năng suất lao động bình quân của TP.HCM đạt 293 triệu đồng, cao gấp 2,92 lần bình quân cả nước (102,2 triệu đồng), tới năm 2019, chỉ số này đã tăng lên gần 300 triệu và tiếp tục duy trì vị thế. Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đánh giá con số trên khẳng định vị thế dẫn đầu về hiệu quả và trách nhiệm chính trị của thành phố đông dân nhất cả nước.
Hội nghị lần thứ 34 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X. Ảnh: Q.H. |
Trong năm 2019, tổng thu ngân sách của TP.HCM ước đạt 412.000 tỷ đồng, vượt 3,3% so với chỉ tiêu đề ra là hơn 399.000 tỷ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 1,3 triệu tỷ, tăng 8,32% so với năm 2018.
"Kết quả tăng GRDP không cao nhưng vẫn giữ chiều hướng cao hơn năm cũ, đây là tiền đề quan trọng góp phần hoàn thành những nhiệm vụ tiếp theo trong khóa", Bí thư Nhân nhận định.
Đi kèm với những kết quả khả quan trên, việc chuyển dịch cơ cấu từ kinh tế Nhà nước sang kinh tế thị trường đòi hỏi TP.HCM phải có nhiều đột phá và bắt kịp nhu cầu của xã hội mới có thể giữ nhịp tăng trưởng.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Quang Huy. |
Năm 2005, tại TP.HCM, thị phần kinh tế Nhà nước chiếm 32%, tư nhân 51% đầu tư nước ngoài 17%. Đến năm 2020, dự kiến khối Nhà nước chỉ còn chiếm 16%.
"Nhà nước chỉ còn khả năng điều tiết qua các chính sách, quy hoạch. Chúng ta muốn tăng trưởng cao hơn nữa thì phải có những chính sách, quy hoạch dẫn dắt các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài", lãnh đạo Thành ủy TP.HCM chỉ đạo.
Ông Nguyễn Thiện Nhân thông tin trong 5 năm tới, TP.HCM sẽ có 11 dự án đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư về giao thông, xử lý nước thải, cấp nước, công nghiệp, dịch vụ. Thành phố cần chuẩn bị tốt vấn đề nhân lực để có thể sẵn sàng triển khai các dự án quan trọng này.