Tính đến ngày 17/2, TP.HCM trải qua 7 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới trong cộng đồng. Bộ Y tế nhận định thành phố cơ bản kiểm soát được ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Các chuyên gia đánh giá dù tình hình tại TP.HCM tạm yên bình, nguy cơ bùng phát dịch tại thành phố vẫn ở mức độ rất cao. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người từ các địa phương sẽ đổ về thành phố. Tiền sử dịch tễ phức tạp là một trong rất nhiều mối nguy cơ có thể gây bùng phát dịch tại thành phố 10 triệu dân.
Giải quyết ổ dịch bên trong nhưng còn nguồn lây bên ngoài
Để kiểm soát chuỗi lây nhiễm trong nhóm bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngay khi phát hiện ca chỉ điểm BN1979 (nam, 28 tuổi), TP.HCM đã áp dụng phương châm truy vết thần tốc thông qua các biện pháp điều tra, mở rộng xét nghiệm.
Từ 30/1 đến nay, gần 40.000 mẫu xét nghiệm của những người liên quan ca bệnh, người sống trong khu vực phong tỏa, trường hợp sống tại nơi có nguy cơ cao, nhân viên y tế…, được thực hiện. Kết quả được trả trong vòng 24 giờ.
Ngành y tế TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 8/2. Ảnh: Chí Hùng. |
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) khẳng định đến hiện tại, tình hình dịch của thành phố cơ bản được kiểm soát với 35 bệnh nhân liên quan sân bay Tân Sơn Nhất.
Chia sẻ với Zing, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết mặc dù ổ dịch tại công ty bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản được khống chế, nguy cơ bùng phát dịch tại thành phố vẫn còn khá cao. Nguyên nhân là sau kỳ nghỉ Tết, TP.HCM sẽ đón số lượng lớn người từ các tỉnh, thành đổ về để sinh sống, học tập và làm việc.
“Các địa phương hiện tại, nhất là Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội… tình hình dịch còn khá phức tạp. Do đó, nếu trường hợp có tiền sử dịch tễ nghi ngờ tại các tỉnh này đến TP.HCM mà không khai báo y tế, có thể thành phố sẽ bỏ sót ca nhiễm”, chuyên gia nhận định.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết mức độ bùng phát dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn còn cao. Do đó, người dân không nên chủ quan.
"Giải quyết ổ dịch bên trong nhưng vẫn còn nguồn lây nhiễm bên ngoài có nguy cơ xâm nhập. Do đó, TP.HCM cần kiểm soát chặt những trường hợp từ các nơi khác về", ông nói.
Chuyên gia này đánh giá việc yêu cầu khai báo y tế bắt buộc, mở rộng xét nghiệm tại sân bay, bến xe, nhà ga, cách ly tập trung người có yếu tố dịch tễ là bước đi quan trọng giúp thành phố kiểm soát được giai đoạn khó khăn sắp tới.
Đặc biệt, quyết định mở rộng xét nghiệm diện rộng nhanh chóng như trong đợt dịch vừa qua sẽ giúp thành phố rà soát được người nhiễm nCoV trong cộng đồng.
Ngoài ra, ngành y tế TP.HCM cần lên phương án khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm nếu xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.
“Phường, xã tại các quận, huyện cần nắm được số lượng người từ nơi khác đến thành phố sau kỳ nghỉ. Nếu một số người cố tình không khai báo, ngành y tế cũng khó kiểm soát. Do đó, trong tình huống dịch bệnh, chúng ta không nên chỉ trông chờ vào sự tự giác mà phải huy động sự giúp sức của từng gia đình, cơ quan, doanh nghiệp phối hợp kiểm soát”, chuyên gia nói thêm.
“Không có nơi nào an toàn tuyệt đối”
Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tình hình TP.HCM hiện tại bình yên. Những trường hợp liên quan các bệnh nhân dương tính đều được truy vết, khoanh vùng. Bên cạnh đó, hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm trong đợt tầm soát cộng đồng cũng cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều chưa thể khẳng định TP.HCM an toàn khi tình hình tại nhiều vùng dịch khác còn phức tạp.
“Đừng nghĩ là tỉnh, thành nào đông thì nguy cơ cao còn nơi vắng, xa thì an toàn. Tất cả đều có nguy cơ như nhau”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong nước, nhằm đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, phòng ngừa tối đa nguy cơ xâm nhập và lây nhiễm dịch bệnh tại thành phố, Sở Y tế TP.HCM đề nghị người dân phải thực hiện khai báo y tế nghiêm túc, trung thực nếu trong vòng 14 ngày qua có đi từ các tỉnh, khác trở về TP.HCM.
Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã công bố kế hoạch giám sát người về từ vùng dịch Covid-19 trong nước đến thành phố sau Tết Nguyên đán. Trong đó, người đến TP.HCM từ vùng có ổ dịch hoặc địa phương đang giãn cách xã hội sẽ được cách ly tập trung 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 4 lần.
Các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gồm TP Hạ Long và thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (từ 29/1 đến hết 21/2); Hải Dương (giãn cách 15 ngày từ 16/2). Riêng người đến từ huyện Cẩm Giàng từ 15/12 đến 31/1 không phải cách ly tập trung, chỉ cần tự theo dõi sức khỏe.
Bên cạnh đó, HCDC sẽ triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại sân bay, nhà ga, bến xe, khu công nghiệp, trường học... Tại sân bay Tân Sơn Nhất, 10-20% số lượt hành khách đến sân bay từ các tỉnh, thành có nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên. Ở ga Sài Gòn, ngành y tế sẽ lấy 100 mẫu đơn/ngày đối với hành khách đến từ các tỉnh, thành có nguy cơ. Tại bến xe quận 12, bến xe miền Đông cũ và mới, HCDC sẽ lấy 100 mẫu đơn/ngày/địa điểm.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.