Tại họp báo khẩn cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều 14/6, Zing đặt câu hỏi liên quan đến bài học của ngành y tế từ chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Trả lời vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết khi dịch bệnh xuất hiện ở cộng đồng thì sớm muộn, người có triệu chứng đều sẽ đến cơ sở y tế. Do đó, việc xác định ca nhiễm ở cơ sở y tế là vấn đề được Sở Y tế TP.HCM quan tâm từ đầu. Theo đó, ngành y tế đã có sự phân luồng từ đầu, nếu có triệu chứng nghi ngờ thì sẽ đưa đi xét nghiệm.
Bài học sâu sắc
Thời gian qua, các cơ sở y tế đã làm rất tốt các việc này. Tất cả trường hợp nghi ngờ được rà soát và đến giờ các cơ sở y tế nói chung đã làm tốt.
"Việc xảy ra ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là bài học rất sâu sắc. Từ một nhân viên của cộng đồng đi vào cơ sở y tế, từ đó lây nhiễm ra bệnh viện. Ngành y tế rút kinh nghiệm sâu sắc bài học này", Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng nói.
Việc xảy ra ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là bài học rất sâu sắc.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng
Ông Hưng cho hay ngành y tế luôn tuân thủ 5K suốt quá trình làm việc, và đề nghị nhân viên y tế không ra ngoài sau giờ làm việc trừ trường hợp cần thiết.
Thông tin về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết chưa phát hiện thêm F1 khác của các ca dương tính đã phát hiện.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng tại cuộc họp báo. Ảnh: Thu Hằng. |
Ông thông tin song song với cuộc họp này, TP cũng có đoàn công tác của Bộ Y tế vừa được ký quyết định thành lập, vào TP.HCM để triển khai công tác hỗ trợ.
Qua số liệu ban đầu cho thấy các ca mắc bệnh tập trung ở khối hành chính, hậu cần, không liên quan đến các ca nằm ở khu vực nội trú.
“Đây chỉ là số liệu ban đầu, chưa thể đánh giá hết. Đánh giá dịch xâm nhập từ bên ngoài thì chưa đủ chứng cứ. Có thể phỏng đoán như vậy thôi”, ông Dũng nói. Lãnh đạo HCDC cho biết ngành y tế đang tiếp tục đánh giá để có câu trả lời cho người dân.
"Hai tuần là vừa đủ để đánh giá"
Trả lời câu hỏi của báo chí về dự báo kết quả giãn cách xã hội sau 2 tuần tới, ông Dũng cho biết việc này phụ thuộc vào mầm bệnh ở mức độ nào và sự lây lan phát tán như thế nào khi thực hiện giãn cách. Bên cạnh đó, trong thời gian giãn cách, việc tuân thủ có được thực hiện đúng hay không.
Ông Dũng cho biết hiện nay, mầm bệnh được đánh giá là đang âm thầm lây lan trong cộng đồng. Bằng chứng là khi tổ chức ngăn chặn nguồn lây của các trường hợp liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng thì đã truy tìm được gần hết, trừ trường hợp không khai báo, thế nhưng sau đó vẫn xuất hiện ca nhiễm.
“Cứ cho rằng đã truy tìm hết, cách ly cả các vòng lây nhiễm thứ 3, thứ 4 và không có trường hợp nào xuất hiện bên ngoài mà liên quan đến chuỗi này, số ca cũng giảm dần; tuy nhiên, thực tế là vẫn phát hiện các trường hợp mới", ông Dũng nói.
Lãnh đạo TP.HCM không nói 2 tuần là kết thúc mà sẽ đánh giá lại hàng tuần để quyết định tăng cấp, giữ cấp, hay giảm cấp giãn cách.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Trí Dũng
Lãnh đạo HCDC cho biết thời gian qua, có 30 bệnh viện tiếp nhận, phát hiện 48 ca dương tính nCoV qua khám sàng lọc. "Giả sử thành phố sơ suất, không đề cao cảnh giác, để 48 trường hợp này đi sâu vào bệnh viện thì hệ quả sẽ thế nào", ông Dũng đặt tình huống.
Theo ông Dũng, nhận định chung là hiện nay mầm bệnh đang âm thầm len lỏi trong cộng đồng song song với chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo. Ngoài những chuỗi đang khoanh vùng, xử lý hiện nay thì vẫn còn trường hợp âm thầm lây nhiễm.
Do đó, việc giãn cách rất cần thiết vì khi điều kiện tiếp xúc gia tăng, dù đảm bảo 5K, nếu tăng tiếp xúc thì chắc chắn mầm bệnh sẽ phát tán và có điều kiện để bùng phát.
Lực lượng phòng hóa của Quân khu 7 đến khử khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng. |
Về thời gian giãn cách 2 tuần, ông Dũng lý giải thời gian ủ bệnh của virus SARS-CoV-2 là 14 ngày. Đó là thời gian tối đa để một chu kỳ lây nhiễm nhân lên, phát triển qua thế hệ thứ hai, lây từ người này qua người khác.
Với các trường hợp âm thầm, không có triệu chứng thì qua 14 ngày, cơ hội để tiếp tục lây lan là rất thấp.
"Hai tuần là vừa đủ để đánh giá. Lãnh đạo TP không nói 2 tuần là sẽ kết thúc mà đánh giá lại hàng tuần để quyết định tăng cấp hay giữ cấp, thậm chí là giảm cấp ở một số khu vực", ông Dũng phân tích.
Dùng công nghệ giám sát người cách ly tại nhà
Tại buổi họp, phóng viên đặt câu hỏi về việc ngành y tế có nghiên cứu cách ly F1 tại nhà hay không. Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho rằng vấn đề này không mới, nhiều nước cũng đã làm.
Ông Hưng cho rằng về mặt thuận lợi, người được cách ly tại nhà có tâm lý thoải mái hơn việc cách ly tập trung. Bên cạnh đó, việc cách ly tại nhà F1 thì Nhà nước đỡ phải lo việc tổ chức cách ly tập trung khi số lượng ca F1 tăng cao.
Ngành y tế đang tính đến biện pháp sử dụng công nghệ để giám sát người cách ly tại nhà.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng
Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện cách ly. Do đó, theo quy định của Bộ Y tế thì với những người mà nơi ở không đủ điều kiện cách ly thì vẫn phải cách ly tập trung dù là F2.
Hạn chế thứ hai là giám sát sự tuân thủ của người cách ly tại nhà. Ví dụ như người cách ly phải cam kết với địa phương… Và địa phương cũng cần lực lượng giám sát người cách ly tại nhà. Quan điểm của Sở Y tế là có thể thí điểm ở một số khu vực việc cách ly F1 để nhân rộng ra.
"Vì bây giờ, điều tối thượng là sự an toàn của cộng đồng. Ngành y tế đang tính đến biện pháp sử dụng công nghệ để giám sát mà không vi phạm quyền của người dân", ông Hưng nói.
Sử dụng bộ test kháng nguyên nhanh để đẩy nhanh việc lấy mẫu tầm soát diện rộng là một trong những vấn đề được nhiều phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo.
Giám đốc HCDC cho rằng để đánh giá giá trị của xét nghiệm không đơn thuần chỉ dựa vào kết quả mà còn phụ thuộc vào độ nhạy, độ đặc hiệu và tính tương đối của nó.
Ông cho biết vừa qua, tại Công ty PouYuen, ngành y tế đã triển khai và cử một đội 3 người để lấy mẫu kiểm tra nhanh cho công nhân. Trong một giờ, có thể làm 30 test kháng nguyên nhanh. Thời gian tương đương với đội lấy mẫu PCR.
"Giá trị kinh tế thì cũng tùy. Bộ kiểm tra nhanh có giá khoảng 200.000 đồng. Nhưng mẫu gộp 10 người, thậm chí Bộ Y tế cho phép gộp 16 người, thì xét nghiệm PCR lại rẻ hơn", ông Dũng đánh giá.
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ 18/5 đến 14/6, thành phố ghi nhận 819 ca mắc Covid-19, dịch lan rộng ra 22/22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Cụm lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là chuỗi mới bùng phát tại TP.HCM. Cụm lây nhiễm này được phát hiện từ ngày 11/6 khi một nhân viên phòng Công nghệ thông tin được xét nghiệm vì có triệu chứng nghi ngờ.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã khẩn trương sàng lọc, truy vết thần tốc, cách ly, lấy mẫu tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện. Đến nay, 55 nhân viên đã có kết quả dương tính.
Sáng 14/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ra quyết định nới lỏng giãn cách xã hội tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12), giảm từ áp dụng Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15. Toàn thành phố vẫn giãn cách theo Chỉ thị 15 trong 2 tuần tới.