Lý giải nguyên nhân TP.HCM và Nam Bộ trải qua nhiều ngày oi bức liên tục cả ngày lẫn đêm, chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng phòng Dự báo Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho rằng đây là dấu hiệu bình thường vì phải trải qua giai đoạn nắng nóng như vậy mới có thể vào mùa mưa.
Dù nhiệt độ tại TP.HCM và Nam Bộ đo được cao nhất chỉ trong khoảng 36-37 độ C nhưng cảm giác thực tế của cơ thể có thể lên tới 40 độ C. Chuyên gia giải thích rằng 36-37 độ C là nhiệt độ đo trong lều khí tượng, còn thực tế ngoài trời, nhiệt độ sẽ cao hơn.
Theo bà Lan, người dân cảm thấy khó chịu là do chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm không lớn nên gây cảm giác oi bức cả ngày. Trong tháng 3-4, khoảng 14-15h nhiệt độ lên tới 36-37 độ C nhưng đến khoảng 16h, trời dịu mát, tối và đêm chỉ khoảng 25 độ C nên cảm giác khó chịu chỉ kéo dài trong vài tiếng.
Nắng nóng kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm khiến người dân khó chịu. Ảnh: Lê Quân. |
Nhưng trong tháng 5, từ 8h sáng nhiệt độ đã là 33 độ C, 9h tiếp tục tăng lên 35-36 độ C, chưa kể nhiệt độ cơ thể cảm giác được còn cao hơn 4-5 độ C so với nhiệt độ khí tượng. Thêm vào đó, lượng tia UV trong tháng 5 cũng cao và kéo dài. Lượng tia UV vào 8-9h đã là 10-11 (mức nguy hại) và kéo dài đến 17-18h.
"Thời gian có tia cực tím ở mức độ nguy hại kéo dài từ 8h-17h. Chất lượng AQI trung bình hoặc tốt, bầu trời trong xanh và không có mây nên không có gì ngăn chặn tia cực tím, làm mình cảm thấy rất khó chịu", bà Lan phân tích.
Chuyên gia lý giải oi bức là sự chuyển giao của hơi nước trong bầu khí quyển nên cơ thể cảm thấy bức bối. Đây là điều kiện để chuẩn bị vào mùa mưa.
Bà Lê Thị Xuân Lan dự báo hiện tượng nắng nóng này sẽ chỉ kéo dài đến khoảng 14/5, sau đó, Nam Bộ bắt đầu có mưa vài nơi. Ngày 15/5 mưa tăng dần và ngày 16/5 sẽ có mưa trên diện rộng và kéo dài đến cuối tháng, cả Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên sẽ chính thức vào mùa mưa.