Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron

Nếu phát hiện ca mắc biến chủng Omicron, TP.HCM sẽ đưa người nhiễm vào điều trị, cách ly tập trung riêng tại bệnh viện dã chiến số 12.

Chiều 6/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch Covid-19.

Trước nhiều vấn đề được người dân quan tâm, đại diện các cơ quan chức năng của TP.HCM đã thông tin về việc cho học sinh đi học trở lại, phương án ứng phó biến chủng Omicron, chi trả BHXH một lần cho người lao động...

Cần tuyên truyền để phụ huynh học sinh yên tâm

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM, trả lời vấn đề về thông tin khảo sát mới công bố cho thấy 70% phụ huynh không đồng ý cho học sinh lớp 1 đến trường. Nhóm này theo kế hoạch được đi học trực tiếp trở lại từ 13/12.

Ông Dũng nói số liệu trên cho thấy sự lo lắng của một bộ phận phụ huynh, đặc biệt là với trẻ 6 tuổi. Qua số liệu này, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thấy rằng để yên lòng phụ huynh học sinh, ngành giáo dục cần phối hợp với ngành y tế để đảm bảo kế hoạch đi học trở lại cụ thể, chỉn chu. Đồng thời, sở và các địa phương cần tuyên truyền với phụ huynh học sinh về cơ sở vật chất để các cha mẹ yên tâm.

“Làm sao để sự lo lắng của phụ huynh biến thành động lực, hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo khi học sinh đi học trở lại”, ông Dũng nói.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 1

Nhiều ý kiến khác nhau về việc Hà Nội và TP.HCM cho học sinh đi học trở lại. Ảnh: Đức Anh.

Về khó khăn trong dạy trực tiếp khi học sinh quay lại trường, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đã chuẩn bị phương án đi học trở lại cụ thể sau khi có kế hoạch của UBND TP cho phép một số cấp lớp đến trường. Các phòng tham mưu chuyên môn đã hướng dẫn kế hoạch học trực tiếp với từng cấp học, bậc học cụ thể.

Song song với việc học trực tiếp trong thời gian thí điểm, sở vẫn duy trì kênh học trực tuyến qua Internet, truyền hình. Đây là kênh hỗ trợ không thể thiếu trong thời điểm vẫn còn một bộ phận học sinh chưa tới trường, đảm bảo trẻ bắt nhịp với kế hoạch chung của TP.

Sở GD&ĐT đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Sở Y tế, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Sư phạm nhằm đảm bảo tâm lý cho phụ huynh và học sinh khi quay lại trường. Với các học sinh chưa quay lại trường có vấn đề tâm lý, sở cũng đã giao trường, giáo viên chủ nhiệm và các bộ phận liên quan theo dõi. Đặc biệt là kích hoạt lại tổ tư vấn tâm lý tại trường học để xử lý tình huống khi học sinh hay phụ huynh có vấn đề về sang chấn tâm lý; đặc biệt nâng đỡ tâm lý với học sinh thuộc nhóm yếu thế.

Về việc học sinh lớp 1, 9, 12 trở lại trường, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện nhiều bước để bồi dưỡng đội ngũ, thẩm định phương án về an toàn phòng chống dịch tại các đơn vị. Hôm nay, sở đã thẩm định mẫu phương án phòng chống dịch tại một trường THPT của quận 1 để làm mẫu cho các địa phương.

Dựa trên kết quả 2 tuần thí điểm và căn cứ tình hình thực tế, Sở GD&ĐT và Sở Y tế TP.HCM sẽ tính toán, trình UBND TP phương án mở rộng việc đi học trực tiếp từ ngày 3/1.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 2

Bản đồ cấp độ dịch TP.HCM ngày 6/12.

Tính đến 18h ngày 5/12, TP.HCM ghi nhận 478.922 ca mắc Covid-19, trong đó, 572 trường hợp nhập cảnh. Hiện, TP đang điều trị 13.681 bệnh nhân, trong đó, 497 trẻ em dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân nặng đang thở máy, 14 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 5/12, TP có 958 bệnh nhân nhập viện, 927 bệnh nhân xuất viện, 94 trường hợp tử vong trong ngày.

Sáng cùng ngày, UBND TP.HCM công bố TP.HCM tiếp tục duy trì cấp độ dịch thứ 2. Trong đó, quận 11 và huyện Cần Giờ tăng cấp độ dịch từ 1 lên 2; quận 4 tăng từ 2 lên cấp 3.

Theo phân loại, 8 địa bàn đạt cấp 1, gồm các quận 1, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Củ Chi. 13 địa phương ở cấp 2 là quận 3, 5, 10, 11, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, TP Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè. Quận 4 là địa phương duy nhất ở cấp độ 3.

Bố trí bệnh viện dã chiến để điều trị riêng cho người nhiễm biến chủng Omicron

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đến nay, TP.HCM chưa ghi nhận ca nhiễm nào từ biến chủng Omicron.

Theo ông Tâm, biến chủng Omicron được cho là có thể lây lan gấp 5 lần so với biến chủng cũ nên HCDC đã đề ra các biện pháp ngăn chặn sự lây lan này.

Lãnh đạo HCDC cho biết ngành y tế tập trung ngăn chặn nguy cơ từ nguồn xuất nhập cảnh chính thức như Cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, hàng hải… Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine vào thành phố sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày.

“Trường hợp người nhập cảnh dương tính, HCDC sẽ phối hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP giải trình tự gen để phân tích. Đến nay, TP chưa ghi nhận ca dương tính nào từ biến chủng mới”, ông Tâm cho hay.

Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM từ 1/10 tới nay

Nhãn 2/10 3/10 4/10 5/10 6/10 7/10 8/10 9/10 10/10 13/10 14/10 15/10 16/10 17/10 20/10 21/10 22/10 23/10 24/10 25/10 26/10 27/10 30/10 31/10 1/11 2/11 3/11 4/11 5/11 6/11 7/11 8/11 9/11 10/11 11/11 12/11 13/11 14/11 15/11 16/11 17/11 18/11 19/11 20/11 21/11 22/11 23/11 24/11 25/11 26/11 27/11 28/11 1/12 2/12 3/12 4/12 5/12
Nhập viện Ca 1631 1449 1354 1150 1205 1085 968 1170 906 878 1022 911 681 640 748 934 896 809 689 789 793 1272 770 624 989 1025 944 1137 937 908 953 1001 1095 1228 1196 1126 1326 1150 1325 1421 1447 1373 1441 1237 1223 1504 1594 1582 1512 1516 1326 1094 1249 1262 1296 1027 958
Xuất viện
4069 2743 2940 2768 2740 1817 2141 1736 1925 1408 870 1438 835 664 630 882 889 814 539 731 794 869 730 473 785 673 770 688 973 800 533 832 735 865 1009 1109 747 713 948 838 1076 1158 911 815 749 1097 940 1148 1104 1022 1030 1047 1070 1181 1257 805 927
Thở máy
1536 724 662 658 631 588 596 600 533 481 458 443 430 404 333 318 296 291 286 279 265 257 254 255 241 246 246 246 254 255 255 242 230 232 237 244 259 258 271 284 302 305 332 332 327 350 341 357 372 379 387 374 410 410 419 434 431
Số ca tử vong
79 93 104 88 92 78 74 82 73 61 61 58 38 51 41 33 42 30 40 27 32 25 21 25 31 40 28 33 32 31 35 38 43 38 42 38 22 45 35 26 42 55 42 50 59 62 77 59 60 65 72 62 80 68 75 69 94

Đối với nguồn nhập cảnh không chính thức, là người không nhập cảnh tại TP.HCM mà có thể từ các đường bộ ở Tây Ninh, Long An, ngành y tế đã phối hợp lực lượng công an để rà soát, kiểm soát, ngăn chặn.

Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch trong nội địa, sẵn sàng ứng phó cấp độ dịch phù hợp với diễn biến, tăng cường tiêm bổ sung sau 28 ngày, kể từ mũi tiêm gần nhất đối với người suy giảm miễn dịch và tiêm nhắc lại đối với các trường hợp đủ thời gian sau 6 tháng.

Thông tin thêm về vấn đề ứng phó với biến chủng Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành, Sở Y tế đã phối hợp với Bộ tư lệnh TP và Công an TP xây dựng, tham mưu thế trận y tế.

Với thế trận này, các đơn vị được giao sẽ nhận diện từ xa, khi biến chủng vào TP, các đơn vị trên sẽ có kế hoạch tác chiến theo chức năng nhiệm vụ nhằm nhanh chóng dập dịch. Theo chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, các trường hợp nhiễm Covid-19 từ biến chủng Omicron sẽ được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 12. “Bệnh viện này đang trống và nằm ở TP Thủ Đức, tương đối biệt lập”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói và cho biết lực lượng y bác sĩ sẽ có bộ phận tăng cường để đáp ứng tình hình khi số bệnh nhân tăng cao.

Dừng việc giải thể 13 bệnh viện dã chiến

Trước việc số F0 tăng, ca tử vong không giảm, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết đơn vị đã có văn bản hướng dẫn về việc thu dung, điều trị. Ngoài ra, sở cũng đang thực hiện tái cấu trúc lại các bệnh viện mà vốn bình thường không điều trị Covid-19. Cụ thể, các bệnh viện có khoa khám sàng lọc và khu vực cách ly tạm thời thì khu vực này sẽ được hướng dẫn để trở thành nơi điều trị Covid-19, tránh chuyển tới, chuyển lui bệnh nhân.

Các bệnh viện có chuyên khoa nhi hay sản cũng sẽ thành lập đơn vị hồi sức Covid-19 để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

Với các bệnh viện trước đây đã chuyển đổi toàn bộ công năng điều trị Covid-19 như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương, An Bình hay Củ Chi thì tiếp tục thực hiện sứ mệnh. Các bệnh viện tách đôi sẽ tiếp tục tách đôi.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 3

Nhân viên y tế thăm khám cho một bệnh nhân mắc Covid-19 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Về lộ trình giải thể các bệnh viện dã chiến, thu dung trên địa bàn TP, bà Mai cho biết đến nay, TP.HCM đã giải thể 8 bệnh viện dã chiến. Còn 13 bệnh viện dã chiến còn lại sẽ không giải thể theo lộ trình từng đặt ra. Sở Y tế sẽ tái cấu trúc lại các đơn vị này để đủ điều kiện thành bệnh viện 3 tầng nhằm cứu chữa bệnh nhân kịp thời trong mọi tình huống.

Sở cũng hướng dẫn các bệnh viện sẵn sàng hậu cần, phân bổ nguồn lực để đáp ứng mọi tình huống theo kịch bản.

Về tăng cường hệ thống y tế cơ sở, bà Mai cho biết TP.HCM hiện có 310 trạm y tế cố định và tăng cường 382 trạm y tế lưu động. Trong đó, quân y phụ trách 168 trạm. TP lập 214 trạm nhằm hỗ trợ kịp thời trạm y tế cố định cũng như địa phương trong tiếp nhận, thu dung và chăm sóc F0 đang được điều trị, cách ly y tế tại nhà.

Về các túi thuốc, đại diện Sở Y tế TP.HCM khẳng định qua rà soát lại, các cơ sở y tế trên địa bàn vẫn còn gói thuốc C. Sở đang điều chuyển thuốc từ đơn vị không sử dụng đến nơi có nhu cầu cao hơn. Ngoài Molnupiravir, TP.HCM được cung ứng thêm Favipiravir để đáp ứng cho các trạm y tế. Bên cạnh đó, TP cũng được hỗ trợ thêm các sản phẩm đông y để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Covid-19.

Lập chiến lược chăm sóc người già để kéo giảm số ca tử vong

Bà Mai cho biết sau khi đánh giá nguy cơ, Sở Y tế nhận thấy nhóm tử vong chủ yếu là người trên 65 tuổi và có bệnh nền. Nhóm đối tượng tiếp theo là người chưa được tiêm vaccine.

Do đó, Sở Y tế tiếp tục tham mưu Ban Chỉ đạo để có kế hoạch chăm sóc, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ. Sở Y tế đang xây dựng để trình TP trong thời gian sớm nhất.

Người trên 65 tuổi có bệnh nền sẽ được rà soát, khám, xét nghiệm và tư vấn. Người chưa được tiêm thì sẽ tiêm vaccine. Nếu có bệnh nền, họ được lực lượng tư vấn theo dõi sức khỏe, chăm sóc.

Nếu được xác định là F0, bệnh nhân có thể nhập viện hoặc cách ly ở nhà nếu đủ điều kiện. Chiến dịch này dự kiến sẽ triển khai rất mạnh từ nay đến hết tháng 12 và duy trì trong năm 2022.

Bà Mai cho biết với cách làm này, TP.HCM hy vọng kéo giảm sâu tỷ lệ tử vong trên địa bàn.

Hiện nay, TP.HCM ghi nhận 497 người dưới 16 tuổi mắc Covid-19 điều trị tại tầng 2-3. Đến nay, chưa có trường hợp nào trong số này tử vong.

Lý giải nguyên nhân số ca mắc mới là trẻ em tăng cao trong những ngày gần đây, bà Mai cho biết đa số các em bị nhiễm, lây lan từ người trong gia đình.

TP.HCM gia hạn cấp CCCD gắn chip đến hết năm 2021

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin công an TP được Bộ Công an cho phép gia hạn thời gian cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip đến hết tháng 12. Trong thời gian này, cơ quan công an sẽ tạo điều kiện cho người dân, kể cả người chưa đăng ký tạm trú làm thủ tục trong khoảng thời gian cấp từ 7h đến 24h hàng ngày.

Ông Hà cho biết công an sẽ vừa làm CCCD, vừa hướng dẫn người dân thủ tục đăng ký tạm trú. Theo Điều 24 Luật Cư trú, người vắng mặt liên tục tại nơi thường trú trên 12 tháng mà không đăng ký tạm trú chỗ khác, hoặc khai báo tạm vắng thì sẽ bị xóa đăng ký thường trú.

Để tránh bị xóa đăng ký thường trú, người dân vắng mặt tại nơi thường trú trên 12 tháng cần liên hệ công an phường, xã, thị trấn để thực hiện thủ tục tạm trú; hoặc khai báo tạm vắng ở nơi thường trú để không bị xóa đăng ký thường trú.

dich Covid-19 tai TP.HCM anh 4

Công an TP.HCM sẽ tiếp nhận thủ tục cấp CCCD gắn chip đến hết tháng 12. Ảnh: Hải Nam.

TP.HCM chi hơn 6.000 tỷ cho người rút BHXH một lần

Cung cấp thông tin tại họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết theo thống kê, số lượng hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần có xu hướng tăng thời gian gần đây. Từ đầu năm tới nay, BHXH đã giải quyết 95.055 hồ sơ, số tiền chi trả là hơn 6.000 tỷ đồng. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội của TP là hơn 2,2 triệu.

Ông Lâm chỉ ra 3 nguyên nhân khiến người lao động hưởng BHXH một lần. Thứ nhất là người lao động ngừng việc, thiếu việc làm bị ảnh hưởng thu nhập, để trang trải cuộc sống, họ quyết định chuyển từ khu vực chính thức sang lao động tự do, không tham gia BHXH.

Thứ hai, một bộ phận người lao động từ tỉnh khác đến TP chọn hưởng BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt.

Thứ ba, do thói quen của người lao động nghĩ rằng nhận BHXH là trợ cấp mất việc để giải quyết khó khăn, sau đó tính đến tiếp tục tham gia khi có điều kiện.

Ông Lâm cho biết trước mắt, sở đề xuất tăng truyền thông cho người lao động để họ hiểu về lợi ích hưởng lương hưu so với BHXH một lần. Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, cơ quan báo chí cũng tuyên truyền về việc này, nhưng lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đề nghị cần làm thường xuyên hơn.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng cho rằng cần làm tốt đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động khi họ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để nhanh chóng quay lại thị trường lao động chính thức.

Ở cấp vĩ mô, ông Lâm cho biết sở đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh một số quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết thi hành.

Quận 4 tăng cấp độ dịch lên mức 3

TP.HCM vẫn ở cấp độ dịch 2. Quận 11 và huyện Cần Giờ tăng cấp độ dịch từ 1 lên 2; quận 4 tăng từ 2 lên cấp 3.

Thu Hằng - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm