Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM chia ca để chấm thi trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16

TP.HCM đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, công tác chấm thi tốt nghiệp THPT cũng được thực hiện theo cách đặc biệt.

Để đảm bảo an toàn khi tổ chức chấm thi, TP.HCM xét nghiệm tầm soát Covid-19 với tất cả cán bộ, giáo viên tham gia các khâu. Chỉ những người có kết quả âm tính mới vào khu vực chấm thi. Ngoài ra, trong quá trình làm công tác chấm thi tốt nghiệp, cán bộ, giáo viên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày một lần.

Năm nay, TP.HCM có 20 tổ chấm môn ngữ văn (18 giám khảo/tổ). Mỗi tổ được chia thành 2 phòng (dưới 10 giám khảo/phòng) tương đương với phòng giám khảo 1 và giám khảo 2. Quá trình sinh hoạt chung thống nhất đáp án cũng được triển khai theo từng phòng, thực hiện giãn cách.

Các tổ dã bắt đầu chấm chung để thống nhất về đáp án, biểu điểm cho các giám khảo từ chiều 11/7.

TP.HCM cham thi anh 1

Việc chấm thi môn Ngữ văn được tiến hành theo 2 vòng độc lập, hạn chế việc chấm theo cảm tính. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Giám khảo chấm thi sẽ được chia theo ca để đến hội đồng chấm theo nhóm tổ chấm, thời gian mỗi ca lệch nhau 30 phút. Giờ ăn trưa, giờ ra về của các tổ chấm cũng được bố trí lệch giờ, tránh tập trung đông, đảm bảo giãn cách.

Khi đến hội đồng chấm, giám khảo vào điểm chấm thi bằng 1 cổng, phải trình phiếu tham gia xét nghiệm Covid-19, được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Ra về, giám khảo sẽ di chuyển theo 2 cổng để đảm bảo giãn cách.

Trong quá trình chấm thi, giám khảo bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch: tuân thủ quy tắc 5K, đeo khẩu trang, găng tay và kính chắn giọt bắn suốt thời gian làm việc, giữ đúng khoảng cách khi giao tiếp, không tập trung quá số người quy định tại mỗi phòng chấm thi.

Nhiều giáo viên Ngữ văn tại TP.HCM cho rằng sẽ không có chuyện bài thi tự luận được chấm theo “cảm xúc” của giám khảo. Bởi mỗi một bài làm của thí sinh sẽ được chấm qua 2 vòng, giám khảo 1 và giám khảo 2. Qua quá trình chấm, từng giám khảo sẽ có phiếu chấm, căn cứ vào phiếu chấm để hạn chế khả năng lệch điểm trong bài làm của thí sinh.

Nếu bài làm của thí sinh có điểm lệch giữa 2 giám khảo dưới 0,75 điểm thì 2 giám khảo sẽ thảo luận lại để thống nhất về điểm số. Lệch từ 1-1,25 điểm thì ghi biên bản báo cáo để điều chỉnh. Lệch 1,5 điểm trở lên sẽ có giám khảo chấm lần 3.

Công tác chấm thi dự kiến hoàn thành trước 25/7.

Tại cuộc họp ngày 11/7 với lãnh đạo TP.HCM về công tác chống dịch, việc chấm thi tốt nghiệp THPT cũng được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý yêu cầu lớn nhất là phải thực hiện nghiêm các quy định giãn cách Chỉ thị 16.

Phó thủ tướng chỉ đạo công tác chấm thi không chạy theo tiến độ, không áp lực về thời gian, “an toàn trên hết”. TP.HCM cần tăng cường đội ngũ giám sát bảo đảm an toàn dịch tễ. Các khâu liên quan trao nhận bài thi, kết quả thực hiện theo đúng quy trình.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, TP.HCM có 86.943 thí sinh làm thủ tục dự thi trong tổng số 89.275 thí sinh, đạt tỷ lệ 97,39%. Riêng môn ngữ văn, có 82.978 thí sinh dự thi, chiếm tỉ lệ 94,03%. Đối với các bộ môn thi khác, tỷ lệ thí sinh tham gia dự thi dao động từ 94,03%-97,94%.

'Ông Xuân Quỳnh' và những nhầm lẫn dở khóc dở cười với môn Văn

Vụ thí sinh nhầm "ông Xuân Quỳnh" khiến nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng trên thực tế, với Ngữ văn, không ít lần, giáo viên bắt gặp những lỗi sai dở khóc dở cười như vậy.

Minh Nhật

Bạn có thể quan tâm