UBND TP.HCM vừa phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho chương trình hơn 2.600 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách chiếm 53%, kinh phí của nông dân, doanh nghiệp chiếm 47%.
Riêng trong 4 năm đầu tiên, thành phố dự kiến chi tới 2.100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng hai Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học thành phố, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ...
Thành phố sẽ gửi cán bộ đi đào tạo các khoá ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài. Chương trình đào tạo chủ yếu diễn ra tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như Israel, Hà Lan, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Chi phí đào tạo nguồn nhân lực dự kiến là 28,5 tỷ đồng.
Mô hình trồng rau thủy canh không cần đất. Ảnh: Thạch Thảo. |
Với chương trình này, TP.HCM đặt kỳ vọng nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 60 - 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả thành phố vào năm 2020.
Trong đó, 50 - 60% hộ nông dân, 70 - 80% doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng các biện pháp kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch. Cơ giới hoá, tự động hoá được áp dụng trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất thải.
Hiện nay, TP.HCM có một Khu nông nghiệp công nghệ cao thành phố đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên và đi vào hoạt động. Đây là mô hình khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước với diện tích 88 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi.
Dự kiến, TP.HCM xây dựng thêm ba Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh.