Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn tổng hợp số lượng và dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người bán vé số dạo gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM hôm 11/5.
Ban đầu, 24 quận, huyện của thành phố thống kê được 18.455 người bán vé số dạo mất việc (giảm 252 người sau khi rà soát lại). Ở đợt cách ly xã hội thứ nhất, thành phố đã hỗ trợ mỗi người 750.000 đồng cho 15 ngày cách ly, tương đương tổng kinh phí thực tế là hơn 13,8 tỷ đồng.
Để tiếp tục hỗ trợ người bán vé số dạo trong đợt cách ly thứ hai (16-30/4), Sở LĐTBXH đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM tiếp tục chi bổ sung cho hơn 18.455 người này với mức 250.000 đồng mỗi người (cho đủ mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng theo quy định tại Nghị quyết 42 của Chính phủ). Tổng kinh phí dự toán là hơn 4,6 tỷ đồng.
Ngoài người bán vé số dạo, người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch cũng được hỗ trợ. Ảnh: Xuân Thanh. |
Tuy nhiên, theo thống kê từ 16/4-30/4, thành phố phát sinh thêm 6.685 người bán vé số dạo nên sở đề nghị UBMTTQ hỗ trợ thêm những người này với mức 1 triệu đồng/người cho thời gian 1-30/4. Tổng kinh phí dự toán là hơn 6,6 tỷ đồng.
Riêng trường hợp người bán vé số dạo thuộc diện hưởng từ 2 chế độ trở lên theo Nghị quyết 02 của HĐND TP, Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng thì chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ cao nhất do chính quyền địa phương xác định.
Nguồn chi trả hỗ trợ người bán lẻ vé số lưu động được trích từ nguồn tài chính hợp pháp của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết thành phố. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM có trách nhiệm chủ trì và giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ nêu trên.
Ngày 12/5, Sở LĐTBXH TP.HCM cũng có công văn khẩn gửi UBND thành phố về việc hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng mỗi năm và người lao động không có hợp đồng, bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo phương án của sở, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/tháng phải tạm dừng kinh doanh (tính tới ngày 10/5) được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng, trong tối đa 3 tháng. Theo thống kê, 3.808 hộ kinh doanh thuộc trường hợp trên sẽ được nhận hỗ trợ với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng.
Ngoài ra, hơn 284.000 người lao động không có hợp đồng, bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng được nhận mức hỗ trợ trên. Theo tính toán, TP.HCM cần chi hơn 852 tỷ đồng cho nhóm lao động mất việc đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
Theo điều kiện của Sở LLĐTBXH, người lao động mất việc chỉ được nhận hỗ trợ khi không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo thành phố; cư trú hợp pháp tại TP.HCM; thuộc các công việc bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ, thu gom rác thải, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe trở khách, tự làm việc tại các hộ kinh doanh.
Tổng tiền hỗ trợ cho hộ kinh doanh và người lao động thuộc 2 nhóm đã nêu được sử dụng từ nguồn ngân sách thành phố. Chủ tịch UBND 24 quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định.