Sau 7 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM ghi nhận trên 11.700 ca dương tính, chiếm hơn 56% tổng số ca trong cả đợt dịch thứ 4 (từ 9/7 đến 17h ngày 15/7). Qua nhiều lần thay đổi chiến lược chống dịch, lần này, lãnh đạo Trung ương và TP.HCM đều khẳng định thành phố đã đi đúng hướng. Dù vậy, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết TP.HCM không lạc quan quá sớm và đã tính đến cả kịch bản xấu nhất là mất kiểm soát tình hình sau 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.
TP.HCM chỉ còn một tuần để tận dụng "thời gian vàng" nhằm kiểm soát dịch Covid-19. Trao đổi với Zing, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đã phân tích cụ thể về những ưu tiên TP.HCM cần tập trung cho một "cuộc chiến" chưa có hồi kết. Mọi ưu tiên của thành phố đều phải hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ sinh mạng của người dân, cũng là bảo vệ uy tín của chính quyền.
- Các biện pháp chống dịch trước đây không còn hiệu quả và TP.HCM cần một chiến lược mới, tập trung vào 3 mục tiêu: Bảo vệ sinh mạng của người dân; Bảo vệ hệ thống y tế; Kiềm chế tốc độ của dịch để chờ vaccine.
- Chuyên gia khuyến nghị giải pháp chi tiết cho 3 kịch bản dịch của TP.HCM sau 15 ngày cách ly xã hội.
Biện pháp phòng chống dịch truyền thống đã giảm hiệu quả
- Hôm nay, TP.HCM chính thức trải qua 50 ngày “chiến đấu” với làn sóng dịch thứ 4 và 46 ngày giãn cách xã hội. Thành phố cũng vừa trải qua 7 ngày áp dụng Chỉ thị 16 với nhiều biện pháp nghiêm ngặt. Đợt dịch này, TP.HCM đối mặt với những thách thức nào khác trước?
- Đợt dịch thứ 4 rất khác so với 3 đợt dịch đầu.
Thứ nhất, so với chủng SARS-CoV-2 Alpha, chủng Delta có mức độ lây nhiễm cao hơn 40-60% và thời gian ủ bệnh ngắn hơn (chỉ 2-4 ngày so với 5-7 ngày của các chủng trước). Vì vậy, tốc độ lây nhiễm của chủng Delta cao hơn hẳn các chủng trước đây.
Hệ quả là các biện pháp chống dịch truyền thống của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng như truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch trở nên ít hiệu quả hơn trước rất nhiều, dẫn tới số lượng ca bệnh tăng đột biến trong đợt dịch thứ 4.
Thứ hai, với số lượng F0, F1, F2 tăng vọt trong thời gian rất ngắn, hệ thống y tế của TP đã bắt đầu quá tải và chắc chắn chịu sức ép rất lớn trong vài tuần tới. Điều này khiến cuộc chạy đua giữa năng lực điều trị của TP.HCM với tốc độ lây nhiễm virus dường như chưa có hồi kết, và hệ thống y tế ngày càng trở nên đuối sức do tốc độ lây nhiễm quá nhanh.
Hiệu lực của các biện pháp phòng, chống dịch trước đây bị xói mòn, đòi hỏi phải có chiến lược mới
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Thứ ba, khác với 3 đợt dịch đầu, đợt dịch thứ 4 đã lan rộng ra 58 tỉnh, thành, nghiêm trọng nhất là ở các đô thị và khu công nghiệp, vốn là các đầu tàu kinh tế của cả nước. Với vùng TP.HCM, tâm dịch từ TP.HCM đã lan rộng ra các tỉnh xung quanh, đặc biệt là các tỉnh công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, và Tiền Giang. Đây là thách thức cho tính bền vững của việc chống dịch, vì có khả năng dịch sẽ từ các tỉnh này quay ngược trở lại TP.HCM do vị trí trung tâm vùng của thành phố.
Thứ tư, Việt Nam đã có thể tiếp cận vaccine, song không có nghĩa là vaccine sẽ tiêu diệt hoàn toàn SARS-CoV-2. Vaccine giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ chuyển bệnh nặng một cách cơ bản. Điều này giúp bảo vệ sinh mạng của người dân và giảm tải cho hệ thống y tế, nhờ đó giữ được ổn định chính trị - xã hội.
Hệ thống y tế ngày càng trở nên đuối sức khi số ca nhiễm tại TP.HCM tăng nhanh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là chúng ta không chủ động về nguồn cung vaccine vốn đang khan hiếm trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, cũng phải mất một thời gian thì vaccine mới phát huy đầy đủ tác dụng, và mức độ hiệu quả trước các biến chủng mới không hề chắc chắn.
Trước tình thế mới, hiệu lực của các biện pháp phòng, chống dịch trước đây bị xói mòn, trong khi số ca nhiễm tăng rất nhanh, đòi hỏi phải có chiến lược mới.
Bảo vệ sinh mạng người dân là ưu tiên hàng đầu
- Vậy theo ông, chiến lược chống dịch mới của TP.HCM cần hướng tới những mục tiêu nào?
- TP.HCM đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ đầu đại dịch. Thách thức này đòi hỏi kỷ cương và sự đánh đổi, vốn chỉ có thể thành công nếu có sự ủng hộ và đồng thuận của xã hội.
Theo tôi, chiến lược mới cần tập trung vào 3 mục tiêu: Bảo vệ sinh mạng của người dân; Bảo vệ hệ thống y tế và giữ cho hệ thống y tế không bị quá tải; Kiềm chế tốc độ của dịch để chờ vaccine.
Để bảo vệ sinh mạng người dân, thành phố cần dành ưu tiên cho đối tượng và khu vực rủi ro nhất. Cụ thể, trong bệnh viện cần bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân; ngoài bệnh viện cần ưu tiên nhóm có bệnh nền và nhóm cao tuổi (chiếm tới 70-80% tổng số tử vong). Về khu vực ưu tiên, cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho truy vết, xét nghiệm và thực hiện giãn cách ở khu vực có rủi ro cao.
Dự báo tình trạng quá tải của hệ thống y tế TP.HCM do số bệnh nhân tăng đột biến. Số liệu tỷ lệ bệnh nhân theo mức độ biểu hiện lâm sàng lấy từ Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, công bố ngày 14/7. Tỷ lệ tương ứng của TP.HCM có thể khác. |
Với mục tiêu bảo vệ hệ thống y tế và giữ không bị quá tải, đến thời điểm này, hệ thống y tế được bảo vệ khá tốt, nhờ đó vẫn giữ được vai trò chủ lực trên tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy việc chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến những bệnh nhân khác.
Đồng thời, từ ước lượng các ngưỡng số lượng ca nhiễm có thể thấy dấu hiệu quá tải trong hệ thống y tế đã hiện rõ, và sẽ còn tiếp tục quá tải do tốc độ lây nhiễm của chủng Delta rất nhanh. Với hệ thống ngày càng quá tải, bệnh nhân không được chăm sóc chu đáo như trước, số lượng và tỷ lệ tử vong có thể sẽ tăng. Điều này mâu thuẫn với mục tiêu số 1.
Càng đua thì hệ thống y tế càng đuối sức do chủng Delta lây nhiễm rất nhanh
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Để giữ cho hệ thống y tế không bị quá tải, về cơ bản có hai cách. Thứ nhất là không ngừng tăng cường công suất và năng lực của hệ thống y tế. Tuy nhiên, cuộc đua này chưa có hồi kết, và càng đua thì hệ thống y tế càng đuối sức do chủng Delta lây nhiễm rất nhanh.
Thứ hai là giảm số lượng bệnh nhân thông qua các biện pháp: Áp dụng nghiêm ngặt Chỉ thị 16; Thực hành nghiêm túc 5K; Truy vết, cách ly, dập dịch để khu trú các điểm dịch mới, không để lan rộng; Cách ly tất cả F1 tại nhà; Cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà khi dịch bùng phát mạnh, vượt khả năng chịu đựng của hệ thống y tế.
TP.HCM cần kiểm chế tốc độ lây lan của dịch bệnh trong lúc chờ vaccine. Ảnh: Phương Lâm. |
Mục tiêu thứ ba là kiềm chế tốc độ của dịch để chờ vaccine. Vấn đề quan trọng là làm thế nào huy động được nguồn vaccine kịp thời nhằm giúp hệ thống y tế trong cuộc chạy đua với dịch, có số lượng đủ lớn nhằm tạo được miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, hoạt động tiêm chủng phải được triển khai hiệu quả, an toàn, nhanh chóng.
TP chục triệu dân, ưu tiên vaccine cho nhóm nào?
- Bên cạnh việc đặt mục tiêu bảo vệ sinh mạng người dân lên trên hết và trước hết, TP.HCM còn phải đối mặt với việc lựa chọn nhóm ưu tiên trong tiêm vaccine. Ngoài lực lượng tuyến đầu chống dịch, theo ông, TP.HCM nên ưu tiên nhóm nào?
- Theo số liệu thống kê, 80% trường hợp tử vong do Covid-19 ở Mỹ là người trên 60 tuổi. Tỷ lệ này ở châu Âu là khoảng 90%. Tại Việt Nam, trong đợt dịch thứ 4, tỷ lệ tử vong cũng rơi chủ yếu vào nhóm trên 60 tuổi, chiếm 73% tổng số tử vong do Covid-19 (tính đến 4/7/2021). Những số liệu này cho thấy để bảo vệ sinh mạng người dân thì nhóm người cao tuổi và có bệnh nền cần được ưu tiên tiêm vaccine.
Về mặt đạo lý, bảo vệ sinh mạng của người dân, bất kể tuổi tác và tình trạng bệnh lý, là nghĩa vụ của chính quyền và xã hội.
Số ca tử vong quá lớn sẽ gây ra khủng hoảng y tế, và khi ấy khủng hoảng kinh tế cũng không thể tránh khỏi
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Về mặt y tế, họ là những người dễ bị tổn thương nhất và cần sự trợ giúp nhiều nhất của hệ thống y tế khi nhiễm SARS-CoV-2. Nếu không bảo vệ hai nhóm này, đến khi dịch bệnh lan rộng sẽ tạo nên sự quá tải cho bệnh viện nói chung cũng như cho hệ thống cấp cứu nói riêng. Hơn nữa, đặc điểm của gia đình người Việt là nhiều thế hệ sống chung trong một mái nhà. Khi thành phố thực hiện cách ly F1 và F0 tại nhà thì người cao tuổi lại càng cần được vaccine bảo vệ.
Về mặt kinh tế, có ý kiến cho rằng cần bảo vệ người trẻ vì đây là lực lượng lao động chính, còn người già là những người đã về hưu. Song lập luận này quên một thực tế là khi lượng lớn người già tràn ngập các bệnh viện và số ca tử vong quá lớn sẽ gây ra khủng hoảng y tế, và khi ấy khủng hoảng kinh tế cũng không thể tránh khỏi.
Người trên 60 tuổi thuộc nhóm cần được ưu tiên tiêm vaccine. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo số liệu Tổng điều tra dân số 2019, toàn TP có 8.993.082 dân, trong đó 841.005 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 9,4% dân số. Nếu chiến dịch tiêm vaccine cho người cao tuổi được tổ chức tốt, đồng thời có đủ vaccine, thì có thể tiêm chủng hết cho tất cả người cao tuổi ở TP trong 1-2 tuần.
Về mặt y học, các quốc gia thường sử dụng vaccine AstraZeneca, vaccine phổ biến nhất ở Việt Nam hiện nay, cho nhóm người nhiều tuổi, vì với những người trẻ, loại vaccine này có xác suất gây ra tình trạng huyết khối và hội chứng giảm tiểu cầu cao hơn so với nhóm người nhiều tuổi. Cụ thể, Hàn Quốc chỉ định tiêm AstraZeneca cho người từ 50 tuổi trở lên. Độ tuổi này ở Anh và Australia là từ 60 tuổi trở lên.
Chuyển trọng tâm sang điều trị và vaccine
- Mới đây, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ 3 tình huống mà thành phố đặt ra sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Kịch bản thứ nhất là ngăn chặn, kiểm soát được dịch; hai là chưa kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng; và ba là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát. Đồng thời, thành phố cho biết đang chống dịch trên 5 trụ cột: Truy vết, cách ly; Giãn cách xã hội; Xét nghiệm; Điều trị; Vaccine.
Dựa trên những kịch bản và trụ cột mà thành phố đã đặt ra, ông khuyến nghị gì cho chiến lược chống dịch của TP.HCM giai đoạn tới để thành phố đạt được 3 mục tiêu đã nói ở trên?
- Với trụ cột thứ nhất là truy vết, cách ly, TP.HCM cần tổng kết thí điểm cách ly F1 tại nhà, nếu kết quả tốt thì triển khai nhanh trên toàn TP. “Tốt” ở đây có nghĩa là tỷ lệ chuyển từ F1 sang F0 thấp hơn nhóm tương đương khi cách ly tập trung; và tỷ lệ lây của F0 cho người xung quanh thấp. Chuyên gia y tế và dịch tễ sẽ ở vị trí tốt hơn tôi để đưa ra những chỉ tiêu cụ thể đánh giá kết quả thí điểm.
Trong trường hợp kịch bản thứ 2 và thứ 3 xảy ra, số lượng ca nhiễm, ca có triệu chứng nặng, cần máy trợ thở không giảm, thành phố cần tìm cách giữ được thế trận trong lúc chờ vaccine. Ngoài tăng cường truy vết, cách ly F1 tại nhà, thành phố nên nhanh chóng thí điểm cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà nếu đáp ứng được các yêu cầu dịch tễ, chỉ trường hợp trở nặng mới được chăm sóc tại bệnh viện.
Trụ cột thứ hai là giãn cách xã hội. Thành phố cần chuẩn bị tâm lý cho người dân và doanh nghiệp nếu phải cần thực hiện Chỉ thị 16 thêm 2 tuần; khép chặt các lỗ hổng còn tồn tại trong giãn cách; đảm bảo an sinh, lương thực thực phẩm, tiện ích thiết yếu để người dân hợp tác và yên tâm chấp hành giãn cách.
Với kịch bản đầu tiên, sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, thành phố có thể chuyển từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 10 trong 2 tuần tiếp theo. Với kịch bản thứ 2, thành phố cần tiếp tục duy trì Chỉ thị 16 trong 2 tuần kế tiếp. Trong tình huống xấu nhất, Chỉ thị 16 không chặn được dịch thì thành phố cần nâng cấp Chỉ thị 16 và thực hiện cho đến khi kiểm soát được tình hình.
Trong ba kịch bản này, căn cứ vào diễn biến dịch bệnh sau 7 ngày vừa qua, tôi nghiêng về kịch bản thứ 2. Dù luôn hy vọng điều tốt nhất, chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Nhiều bệnh viện dã chiến tại TP.HCM đã kín chỗ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trụ cột thứ ba là xét nghiệm. Thành phố cần liên tục cải thiện năng lực xét nghiệm; lấy mẫu có mục tiêu, trọng điểm, tập trung vùng và đối tượng có nguy cơ, đồng thời điều tra dịch tễ xác suất.
Nếu tình hình diễn biến theo 2 kịch bản xấu, thành phố cần thu hẹp vùng xét nghiệm, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao nhất. Ngành y tế cần nhanh chóng tăng cường năng lực xét nghiệm, chẳng hạn bằng cách mua máy test hơi thở của Singapore để phát hiện F0 nhanh hơn; đồng thời thử nghiệm cho phép người dân tự mua xét nghiệm nhanh, thực hiện tại nhà.
Ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và bảo vệ sinh mạng phải trở thành ưu tiên hàng đầu
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh
Trụ cột thứ 4 là điều trị, năng lực này cũng phải liên tục được tăng cường cho các bệnh viện tuyến đầu (về cả nhân lực, máy thở, và ECMO) phù hợp với diễn biến dịch bệnh và nhu cầu điều trị; phân loại, phân tuyến, phân tầng bệnh nhân để giảm tải cho các bệnh viện tuyến đầu. Sổ tay hướng dẫn người dân tự theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà cũng cần được chuẩn bị.
Cuối cùng là vaccine, chiến lược cơ bản cho cả 3 kịch bản đều là tìm mọi cách tăng nguồn vaccine. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo thì vaccine nào cũng tốt, ít nhất cũng giúp giảm triệu chứng nặng và giảm tử vong. Chiến dịch tiêm vaccine triển khai càng nhanh, càng nhiều càng tốt và ưu tiên các nhóm tiền tuyến chống dịch, nhóm rủi ro cao (bệnh nền, 60+).
Trong năm trụ cột này, ba trụ cột đầu tiên (truy vết, giãn cách, và xét nghiệm) đã được thực hiện một cách thành công trong ba đợt dịch đầu. Tuy nhiên, hiệu quả và hiệu lực của ba trụ cột này đang bị suy yếu trước chủng mới Delta.
Vì vậy, trong chiến lược mới, dù vẫn tiếp tục triển khai 3 trụ cột này, nhưng để đạt mục tiêu bảo vệ sinh mạng, bảo vệ hệ thống y tế, và kiềm chế dịch chờ vaccine thì trọng tâm cần được chuyển sang trụ cột 4 (điều trị) và 5 (vaccine).
Uy tín của chính quyền, sự ủng hộ của người dân và khả năng giữ vững “mặt trận chống dịch” còn được duy trì chừng nào tỷ lệ nhập viện vẫn trong tầm kiểm soát và tỷ lệ tử vong còn ở mức thấp. Vì vậy, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và bảo vệ sinh mạng, đặc biệt của nhóm dễ bị tổn thương nhất, phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bình luận